| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 16/07/2022 , 10:21 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

10:21 - 16/07/2022

Lãnh đạo và giáo dục khai phóng

Tại sao nhiều vị lãnh đạo ở các nước tiên tiến dù không hề được đào tạo chuyên môn hẹp nhưng vẫn thành công ở cương vị mới của mình.

Nhà báo Fareed Zakaria, người Mỹ gốc Ấn, tác giả cuốn sách quan trọng Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng.

Nhà báo Fareed Zakaria, người Mỹ gốc Ấn, tác giả cuốn sách quan trọng Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng.

Có nhiều người thắc mắc rằng, tại sao nhiều vị lãnh đạo ở các nước tiên tiến dù không hề được đào tạo chuyên môn hẹp nhưng vẫn thành công ở cương vị mới của mình. Ngoài vấn đề thể chế/cơ chế ra, một yếu tố quan yếu chi phối trực tiếp chính là sự thụ hưởng giáo dục khai phóng của họ.

Ở ta, rất nhiều người hay nhắc tới giáo dục khai phóng như một thứ vừa thời thượng vừa gây nên khao khát, nhưng họ lại ngay lập tức phản ứng với những gì khác với các định kiến của họ. Tôi đang muốn lấy việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm ví dụ.

Xin nói ngay rằng, tôi không có nhiều niềm tin vào vị trí quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đang gây tranh cãi. Không phải bởi cá nhân bà Đào Hồng Lan, vì tôi không biết gì về phẩm chất cá nhân cũng như năng lực quản trị của bà cả, mà chủ yếu bởi “cơ chế”.

Nhưng tại sao trên tinh thần chung tôi lại vẫn ủng hộ việc bổ nhiệm một người không có chuyên môn hẹp vào vị trí lãnh đạo một ngành cụ thể? Vì nó phù hợp với tư tưởng giáo dục khai phóng mà tôi luôn đề xướng và theo đuổi.

“Giáo dục khai phóng “nhằm giải phóng tinh thần khỏi sự bó buộc vào thói quen và lề lối, tạo ra những con người có thể hành động với sự nhạy cảm và cảnh giác như những công dân thế giới”. “Cơ bản của một nền giáo dục khai phóng là 'không dạy cái đặc thù của bất cứ nghề nghiệp nào' mà là đặt nền móng chung cho tất cả mọi nghề nghiệp. Giáo dục Việt Nam đang gặp trục trặc ở cả hai “cấp” học, nếu phổ thông nặng về giáo điều thì đại học và trên đại học chủ yếu là học nghề” (Thái Hạo, Giáo dục khai phóng, để làm gì, Viettimes).

Mấy câu in nghiêng ở đoạn văn trên là được trích từ cuốn sách quan trọng “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” của nhà báo lừng lẫy người Mỹ gốc Ấn Fareed Zakaria. Đây là cuốn sách hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất về chủ đề này đã được xuất bản tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Giáo dục khai phóng không phải là nơi dạy nghề mà là dạy tư duy và các năng lực để mỗi cá nhân có thể phát triển một cách hoàn hảo, từ khả năng độc lập, sáng tạo đến những cảm thức đặc thù làm nên nhân tính như thẩm mỹ, đạo đức. Chỉ có một người như thế mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo.

Bạn nghĩ rằng kiến thức công nghệ đã làm nên các đế chế như iPhone, Facebook? Không, không đủ. Thư pháp, tâm lý học, cổ ngữ Hi Lạp… đã đóng vai trò hệ trọng ở đây như chính các ông chủ của chúng đã thừa nhận.

Trong cuốn “Thế giới như tôi thấy”, Einstein đã viết một điều khiến chúng ta giật mình: “sẽ là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta sẽ trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu không anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà”.

Một giáo viên giỏi, kỹ sư giỏi, bác sĩ giỏi là những người thợ lành nghề chứ chưa chắc có thể là các nhà lãnh đạo thực thụ, nếu không nói rằng không thể - một khi mà họ chưa được thụ hưởng một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa. Họ chỉ là những người lính thiện xạ và khác rất xa với một kẻ có thể không biết bắn súng, không biết leo trèo, đánh đấm nhưng lại chỉ đạo được cả một đội quân bách chiến bách thắng.

Luôn cần cùng lúc cả hai: thợ và chỉ huy, hai loại này cần những phẩm chất đặc thù mà nếu thiếu đi sẽ không thể thành công được. Một xã hội lý tưởng là khi mà mỗi người đều sở đắc được đồng thời cả hai con người ấy, thợ và chỉ huy, nghĩa là vừa giỏi làm vừa giỏi lãnh đạo. Điều ấy khó, cho nên một sự phân công lao động hợp lý vẫn là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh mà giáo dục khai phóng chưa hoàn bị.

Nhân đây cũng xin nhắc, sau cái chết của ông Abe, bà Tomomi Inada vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản là người có xuất thân luật sư và từ đó tham gia vào chính trường, chứ không hề được đào tạo về quân sự. Đây và nhiều ví dụ khác nữa không phải là những luận chứng để biện hộ cho trường hợp cụ thể nào đó ở Việt Nam, mà là “biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng”.

Vì nhiều lý do thực tế, chúng ta có thể phủ nhận một cá nhân, nhưng ta phải chấp nhận nền giáo dục khai phóng và tư tưởng khai phóng, nếu muốn xã hội phát trển. Mà để chấp nhận một nền giáo dục và tư tưởng như thế thì bản thân ta phải thay đổi tư duy trước đã: thoát ra khỏi lối nghĩ nghề nghiệp chuyên môn hạn hẹp để tiếp cận Con Người và tin tưởng Con Người - như một tiềm năng vô tận vượt ra khỏi mọi giới hạn nghề nghiệp.