Với quan điểm tập trung đầu tư phát triển chế biến các sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đầu tư chế biến 12 sản phẩm chủ lực.
Các ản phẩm chủ lực gồm lĩnh vực nông sản gồm 7 sản phẩm (Chè, rau, quả, lúa gạo, cây dược liệu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản); Lĩnh vực chế biến lâm sản gồm 5 sản phẩm (Sản xuất đồ gỗ, chế biến quế, chế biến măng, chế biến dầu trẩu, chế biến nhựa cánh kiến trắng).
Mục tiêu chung đến năm 2025, phấn đấu giá trị sản xuất 12 sản phẩm phục vụ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 12.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm.
Phát triển 41 cơ sở chế biến nông lâm sản và thủy sản, 4 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông lâm sản.
Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển 15 cơ sở chế biến nông lâm sản và thủy sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho khoảng 14.000 lao động địa phương, góp phần giảm áp lực về mặt xã hội, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất, khai thác, thu mua, chế biến trên cơ sở chuỗi giá trị và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo hệ thống, trong đó doanh nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo.
Khuyến khích các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản mới, hoặc nâng công suất thiết kế để phù hợp với thế mạnh về nguồn nguyên liệu của địa phương.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông lâm sản quy mô lớn (Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư), để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường phục vụ chế biến.