| Hotline: 0983.970.780

Một doanh nghiệp bị thu hồi mã số vùng trồng lên tiếng

Thứ Sáu 10/01/2025 , 06:07 (GMT+7)

Công ty Dương Vũ, nạn nhân bị thu hồi mã số vùng trồng, cung cấp một công văn giả mạo và trên danh sách lại tiếp tục xuất hiện công ty An An 82...

Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, ông Nguyễn Quang Hòa, xác nhận rằng đây là hợp đồng giả. Ông Hòa khẳng định không quen biết, không giao dịch với Công ty TNHH MTV An An 82. Ảnh: Tú Thành.

Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, ông Nguyễn Quang Hòa, xác nhận rằng đây là hợp đồng giả. Ông Hòa khẳng định không quen biết, không giao dịch với Công ty TNHH MTV An An 82. Ảnh: Tú Thành.

Công ty An An 82 lại xuất hiện trên một Hợp đồng giả mạo khác

Công ty Vina T&T, đơn vị ra thông cáo hồi tháng 12/2024, vẫn còn may mắn khi chưa bị tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã là nạn nhân của việc giả mạo hợp đồng ủy quyền mã số đóng gói xuất khẩu.

Một trong các nạn nhân mới nhất do cách làm việc kiểu "bao che, bịt miệng" của hải quan và kiểm dịch ở Lào Cai, là Công ty TNHH Dương Vũ (Công ty Dương Vũ), bị Trung Quốc thu hồi mã số đóng gói.

Trao đổi với phóng viên Nông nghiệp Việt Nam hôm 09/01, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Dương Vũ cho biết Công ty Dương Vũ đã bị phía Trung Quốc thu hồi mã số đóng gói vào tháng 12/2024. Lý do phía Trung Quốc đưa ra là Cơ quan Hải quan Trung Quốc xác định các đối tượng đã dùng hợp đồng ủy quyền giả mạo của Công ty Dương Vũ, xuất khẩu sang nước này nhiều container sầu riêng tươi.

"Tôi không biết Công ty An An 82 là công ty nào. Thế nhưng họ lại có mã số đóng gói của doanh nghiệp chúng tôi. Trung Quốc phát hiện ra mã số của tôi bị làm giả, họ thu hồi. Tôi thực sự tuyệt vọng, không biết trông vào đâu", ông Nguyễn Quang Hòa nói

Theo tài liệu mà nhóm phóng viên có được, Công ty Dương Vũ bị giả mạo hợp đồng ủy quyền mã số đóng gói. Hợp đồng giả mạo này liệt kê 24 công ty, hộ kinh doanh được phía Dương Vũ "ủy quyền", số lượng nhỏ nhất là 3 container sầu riêng tươi, lớn nhất là 58 container. Tổng số container được "ủy quyền" là 211 chiếc. Tính trung bình mỗi container là 20 tấn sầu riêng, thì ít nhất có 400 tấn sầu riêng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, sử dụng mã số giả mạo Công ty Dương Vũ.

Trong danh sách các đơn vị trên hợp đồng giả con dấu, giả chữ ký của công ty Dương Vũ tiếp tục có mặt Công ty An An 82 với số lượng 10 container. 

Bài liên quan

Như vậy, Công ty An An 82 xuất hiện trong cả hai hợp đồng giả mạo. Một là của Công ty Vina T&T, hai là của Công ty Dương Vũ nhưng hải quan Lào Cai cũng như Chi cục Kiểm dịch vùng VIII, tìm mọi cách bao che, giấu số liệu. 

Cơ quan hải quan, là tấm khiên bảo vệ pháp luật, bảo vệ thương mại tại cửa khẩu. Điều kỳ lạ là cơ quan này tỏ ra "bất lực" trước việc một công ty như An An 82 dùng hợp đồng giả để xuất khẩu. Không thể nói hải quan không biết, bởi đơn cử như trường hợp của Vina T&T, nạn nhân đã phải làm nhiều công văn gửi các lực lượng chức năng tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, song chưa có kết quả.

Ít nhất từ ngày 13/12/2024, Vina T&T đã lên tiếng về việc này. Đến ngày 31/12, Cục hải quan tỉnh Lào Cai vẫn "bình chân như vại", không một động thái nào cho thấy sự thực thi nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngày 09/01, nhóm phóng viên Nông nghiệp Việt Nam đã nhiều lần tìm cách liên hệ với Cục Hải quan Lào Cai, để thông báo về việc thêm một doanh nghiệp bị Công ty An An 82 dùng hợp đồng ủy quyền giả, tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Quang - Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Lào Cai, vẫn chọn cách im lặng.

Không lẽ, cả một Cục Hải quan của tỉnh Lào Cai, cả một Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, lại phải "im lặng" cho công ty An An 82 dùng hợp đồng giả. Trong khi đó, công ty Dương Vũ - trải qua vô vàn tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, để được cấp mã số, thì bị thu hồi đầy tức tưởi.

Nói về việc này, Giám đốc Nguyễn Quang Hòa chỉ dùng một từ: "Uất!".

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao nhờ chất lượng và rải vụ dài hơn hẳn so với Thái Lan. Ảnh: Kim Anh.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao nhờ chất lượng và rải vụ dài hơn hẳn so với Thái Lan. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp xuất khẩu lên tiếng

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: "Về mặt pháp lý, cần xác định rõ ai là người ủy quyền và cơ chế thực hiện việc ủy quyền đó. Chẳng hạn, khi phải ra công chứng để xác nhận ủy quyền, cần làm rõ cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền làm chứng. Điều cốt lõi nằm ở việc quản lý bộ hồ sơ từ xuất xứ hàng hóa, hồ sơ thuế, cho đến các quy định liên quan".

Theo bà Thực, mã số vùng trồng là công cụ quan trọng để quản lý nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương áp dụng không đồng bộ, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoặc cá nhân lạm dụng mã số để trục lợi.

Trong vụ việc cụ thể tại Lào Cai, Chi cục Bảo vệ Thực vật vùng VIII chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là cơ quan nắm rõ thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm dịch tại biên giới. 

Đại diện một doanh nghiệp khác, yêu cầu không nêu tên, cho rằng: "Không thể nào một doanh nghiệp như chúng tôi lại qua mặt được cả cơ quan hải quan và kiểm dịch. Trường hợp bị phía bạn thu hồi mã số, thì quả thực rất đau xót. Đó là công sức, là tiền của qua bao ngày tháng xây dựng".

Doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng "rất vô lý" khi Công ty Vina T&T gửi đơn kêu cứu, báo chí cung cấp bằng chứng, song hải quan Lào Cai chọn cách im lặng. 

"Hải quan được thông báo đầy đủ mà còn chối bỏ trách nhiệm, những doanh nghiệp như chúng tôi quả thực không biết trông vào đâu", vị đại diện nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.