| Hotline: 0983.970.780

Lập "ngôi vua" cho cây đậu tương

Thứ Năm 18/08/2011 , 10:07 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bùi Bá Bổng cho rằng, cần có một cuộc cách mạng thay đổi vị thế của cây đậu tương trong cơ cấu cây trồng của nước ta.

Tại Hội nghị phát triển SX, nâng cao hiệu quả cây đậu tương tại các tỉnh phía Bắc diễn ra chiều 17/8 tại Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bùi Bá Bổng cho rằng, cần có một cuộc cách mạng thay đổi vị thế của cây đậu tương trong cơ cấu cây trồng của nước ta. 

Đầu ra vô biên

Thu hút hàng trăm nhà chuyên môn, nhà khoa học và doanh nghiệp, chưa khi nào hội nghị về cây đậu tương lại có sự hội tụ đông đủ của bốn nhà đến như vậy. Điều đó cho thấy thị trường trong nước hiện nay rất quan tâm tới loại cây công nghiệp ngắn ngày này. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích đậu tương của nước ta năm 1999 là 122 nghìn ha, năm 2005 đạt 204 nghìn ha, sau đó giảm dần và năm 2010 là gần 200 nghìn ha. Nguyên nhân khiến diện tích đậu tương bị giảm được nhận định do quá trình công nghiệp hóa thu hẹp đất nông nghiệp, mặt khác thu nhập từ cây đậu tương thấp nên người dân không mặn mà.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Quang Minh, Trần Thanh Quang chia sẻ, đơn vị vừa khai trương nhà máy ép dầu với công suất 365.000 tấn đậu tương/năm tại thị trấn Lương Bằng (Khoái Châu - Hưng Yên). Năm 2012, Quang Minh dự kiến mở một nhà máy công suất lớn gấp ba lần ở đây nên công suất của riêng nhà máy này đã hơn 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng đậu tương của nước ta hiện nay chỉ xấp xỉ 200.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu của Quang Minh chứ chưa nói gì đến các nhà máy khác. Vì vậy, ông Quang khuyến khích các địa phương và bà con nhân dân tham gia trồng cây đậu tương với số lượng lớn, phía nhà máy sẵn sàng hỗ trợ công nghệ, khoa học và lo đầu ra đảm bảo bà con có lãi.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đề nghị các địa phương cần phát động phong trào “Nông dân nhỏ - cánh đồng lớn” nhằm hình thành lên những cánh đồng mẫu. Mỗi địa phương nên hình thành nên từ 2 - 5 cánh đồng mẫu để khảo nghiệm đánh giá cụ thể xem tính ưu việt và hiệu quả của việc SX tập trung như thế nào để từ đó có những điều chỉnh kịp thời.

Về nhu cầu khô đậu tương cho thị trường chế biến TĂCN, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN thống kê, năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 2,76 triệu tấn khô đậu tương, tương đương 3,7 triệu tấn đậu tương, giá trị kinh tế khoảng gần 1,7 đô la Mỹ. Dự báo, năm 2011 nhu cầu đậu tương của nước ta khoảng 3,1 triệu tấn, năm 2015 là 4,2 triệu tấn và 2020 là 5 triệu tấn. Ông Lê Bá Lịch khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các địa phương nhanh nhạy nên bắt tay vào quy hoạch và hình thành lên các vùng chuyên canh cây đậu tương nhằm cung ứng cho các nhà máy sau này. “Hiện nay đậu tương trồng trong nước chỉ đủ cung cấp cho làm đậu phụ và sữa đậu nành, trong khi nhu cầu của thị trường là khổng lồ nên đầu ra của loại cây này trong tương lai luôn rộng mở thênh thang” - ông Lịch nói.

Mổ xẻ cây đậu tương

Có một thực tế vô lí là hầu hết các tỉnh tại miền Bắc đều báo cáo diện tích cây đậu tương tại địa phương giảm dần theo từng năm. Và một trong nhưng nguyên nhân chính là do năng suất cây đậu tương trên một diện tích thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác khiến người dân không muốn trồng loại cây này. Mổ xẻ vấn đề, TGĐ Tập đoàn Quang Minh chỉ ra bất cập về giá thu mua đậu tương hiện nay. Trong khi giá đậu tương phía Quang Minh nhập khẩu từ Mỹ, Achentina, Ấn Độ… chỉ có 7.000 đồng/kg cộng thuế xuất khẩu khi về đến VN tầm 12.000 – 13.000 đồng/kg. Giá thu mua đậu tương trong nước hiện nay lên tới 15.000 đồng/kg mà người dân vẫn kêu không có lãi, vì vậy khâu sản xuất chắc chắn là có vấn đề. Theo ông Quang, hiện chi phí cho khâu thu hoạch, chăm sóc, vận chuyển ở nước ta quá tốn kém, lãng phí, lạc hậu là nguyên nhân khiến giá thành đậu tương bị đẩy lên cao. Do đó, ông Quang đề xuất cần hình thành nên những vùng SX lớn, đưa cơ giới hóa vào nhằm hạ giá thành sản phẩm thì mới mong có thể cạnh tranh với đậu tương nước ngoài.

“Tại sao nước ngoài họ bán đậu tương giá có 7.000 đồng đã có lãi trong khi chúng ta bán 15.000 đồng người dân vẫn kêu lỗ. Chẳng nhẽ một đất nước nông nghiệp cứ phải đi nhập khẩu nông sản mãi hay sao.

Theo tôi, do SX manh mún lẻ tẻ vài sao khiến chi phí giá thành lên cao nên người dân không có lãi, chứ diện tích canh tác hàng chục, hàng trăm ha tôi đảm bảo có lãi là cái chắc. Do đó, SX lớn tập trung, áp dụng cơ giới và KHCN là yếu tố quyết định đến sự thành công của cây đậu tương trong nay mai”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

Còn theo GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng VN, nguyên nhân khiến cây đậu tương lẹt đẹt không phát triển được mấy chục năm qua do chúng ta hiện nay đang thiếu giống bởi quanh đi quẩn lại chỉ có vài mẫu giống do Viên Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ cung cấp. Rất nhiều nơi do thiếu giống nên người dân dùng cả giống đậu tương của vụ hè đem trồng cho vụ đông nên năng suất, chất lượng không đảm bảo. Do đó, ông Long cho rằng, nhất thiết phải có một bộ giống đặc thù cho từng mùa vụ. Bên cạnh đó, do lợi nhuận thấp và rủi ro cao nên hầu như hiện nay không có hệ thống phân phối giống đậu tương phân cấp tại các địa phương khiến giống bị trà trộn, thoái hóa. Đặc thù của cây đậu tương rất dễ trồng nhưng cũng dễ bị chết. Nếu chất lượng giống không đảm bảo cộng cách chăm sóc của người dân không đúng lập tức thất bại.

Trước thông tin đa chiều đó, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, cần phải có một cuộc cách mạng dành cho cây đậu tương. Đậu tương hiện tập trung lớn ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Những địa phương nào có khả năng mở rộng diện tích nên mở rộng tối đa theo nhiều hướng, đặc biệt là khu vực miền núi, tỉnh nào không mở rộng được diện tích chú trọng nâng cao năng suất và hiệu quả, hình thành nên những vùng chuyên canh lớn để giảm giá thành. Thứ trưởng chỉ đạo Viện Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ nên sớm đưa ra được bộ giống cho cây đậu tương, đặc biệt cần nghiên cứu thử nghiệm đậu tương biến đổi gen, tiếp đó phải xây dựng một quy trình chuẩn để thâm canh, xen canh, luân canh cây đậu tương cho mọi người dân, mọi địa phương đều nắm rõ để chủ động.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm