Thanh Hóa trở thành công trường đá lớn nhất nước trong hàng chục năm qua.
Đá không tái sinh, núi không mọc lên. Những đồi núi là kiến trúc vĩ đại của tạo hóa, không chỉ phải mất hàng triệu năm hình thành, mà núi còn đảm bảo địa chất, điều tiết dòng nước, khí hậu và rất nhiều giá trị có tính vĩnh hằng khác mà con người không thể làm thay được.
Núi và núi đá còn là những công trình tuyệt mỹ của mỗi vùng đất, là tài sản mỹ quan chung của quốc gia, thậm chí của toàn nhân loại. Hãy tưởng tượng, một ngọn núi vĩnh viễn biến mất khỏi mặt đất, thì nghĩa là một sự tuyệt diệt. Đó là một mất mát mà dù sau này khi quốc gia đã giàu có vô song thì cũng đành bất lực, không thể nào tái tạo được nữa.
Mỗi ngày có hàng vạn khối đá đang bị lấy đi, như những bắp thịt bị róc ra khỏi thân thể núi, có nhiều quả núi đã biến mất, vĩnh viễn. Để làm đẹp cho bộ mặt đô thị, cứ tạm cho là nó đẹp đi, thì chúng ta đang đồng thời đào khoét, tàn phá nham nhở những vẻ đẹp vô giá của những miền đất khác.
Vỉa hè hay nhiều công trình xây dựng khác hoàn toàn có thể được làm đẹp bằng những vật liệu không phải là đá, chúng rẻ và thân thiện, mà không cần phải phá đi hàng trăm ngọn núi trên khắp đất nước tươi đẹp này để biến chúng thành những bãi hoang tàn tang thương.
Lát đá vỉa hè, ngoài chuyện tổn hao tiền bạc vì giá cả đắt đỏ, ngoài chuyện bị rút ruột khiến tuổi thọ 70 năm chỉ còn vài năm như báo chí rầm rộ đưa tin mấy ngày qua, thì còn một vấn đề lớn lao khác mà không thấy ai đề cập đến: tàn phá tang thương vẻ đẹp thanh tú của non sông.
Vấn đề không chỉ là xử lý trách nhiệm những cá nhân và tổ chức có liên quan đến tuổi thọ của những cái vỉa hè, mà lớn hơn và lâu dài hơn, phải có một chính sách bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và di sản của quốc gia. Không thể vì những tấm áo mặc dạo phố một ngày mà giết cả một bầy hổ để lấy da.