Những ồn ào xung quanh bộ chữ quốc ngữ cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vừa mới lắng xuống, và xã hội vừa “cách ly vĩnh viễn” bộ chữ này khỏi đời sống của mình, thì những ngày này, dư luận xã hội lại một lần nữa ồn ào xung quanh việc bộ chữ quốc ngữ mới, có tên là “chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận.
Đây là bộ chữ sử dụng 26 chữ cái Latin và dùng 18 chữ cái Latin để thay thế cho dấu thanh và dấu phụ của chữ quốc ngữ đang dùng.
Việc đăng ký xin cấp bản quyền cho các sản phẩm do mình sáng tạo ra là quyền của mỗi người. Nhưng, đối với Cục Bản quyền tác giả, là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, thì lại khác.
Mỗi sản phẩm muốn được cấp bản quyền, phải có đầy đủ căn cứ pháp lý, ví như một công trình khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu, một quyển sách đã được xuất bản qua các nhà xuất bản chính thống, một sản phẩm chỉ được đưa ra lưu thông trong xã hội khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Nhưng còn công trình “chữ Việt Nam song song 4.0” này?
Chữ Việt và tiếng Việt là hồn cốt của quốc gia. Mọi vấn đề liên quan đến chữ Việt và tiếng Việt đều là vấn đề của quốc gia. Muốn cải tiến chúng, phải được Đảng và Nhà nước cho phép, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, và việc đó phải được một hội đồng do Nhà nước chỉ định để thấm định và nghiệm thu.
Bộ “chữ Việt Nam song song 4.0” này chỉ là sản phẩm nghiệp dư của hai tác giả không phải là các nhà ngôn ngữ học.
Nói như PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt (khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì “có những khái niệm cơ bản mà hai tác giả chưa hiểu”.
Công trình lại chưa hề được một cơ quan có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu. Vậy căn cứ nào để Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận?
Còn nói như Kiều Trường Lâm, một trong hai tác giả bộ chữ trên, là bộ chữ này “phù hợp cho giới trẻ sử dụng nhắn tin không dấu mà không gây hiểu lầm nữa. Đồng thời tin rằng đây sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì viết không có dấu như tiếng Anh”, thì thật là ngô nghê.
Giới trẻ chát chít với nhau bằng chữ không dấu là một chuyện, còn chuyện chữ Việt chuẩn quốc gia là chuyện hoàn toàn khác. Cũng như tiếng giữa địa phương này, địa phương khác có thể có đôi chút khác biệt, nhưng tiếng Việt chuẩn lại là chuyện hoàn toàn khác.
Còn nói rằng bộ chữ đó sẽ “khiến nhiều người nước ngoài thích học tiếng Việt hơn” thì chỉ là sự lạc quan tếu, bởi tác giả chưa hề làm một cuộc khảo sát với bộ chữ của mình để có điều kiện so sánh, kết luận.
Tóm lại, việc Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận bản quyền cho bộ “chữ Việt Nam song song 4.0” là quá vội vàng.