| Hotline: 0983.970.780

Lấy đi cái ti vi và xe máy Tầu, nông thôn còn gì?

Thứ Sáu 23/07/2010 , 09:30 (GMT+7)

Sự trăn trở, bức bối của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều về nông thôn xuyên suốt buổi trò chuyện giữa ông với chúng tôi. Có những ý kiến khá gay gắt, thậm chí như ông nói là "họ sẽ bảo tôi cực đoan", nhưng quả thực, những vấn đề ông nhìn nhận về thực trạng nông thôn rất khó có thể phủ nhận.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều
Kết thúc loạt bài “Thanh niên nông thôn đang nghĩ gì?”, chúng tôi tìm gặp nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, một người có nhiều trăn trở về nông thôn. Cuộc trò chuyện không bó hẹp trong đề tài thanh niên nông thôn nữa, nhà văn đã gợi mở một số vần đề, có chỗ khá gay gắt, nhưng không thể phủ nhận, ông là người yêu và lo cho nông thôn thực tâm.

>> Sống vội, sống mòn
>> Hai bàn tay trắng thì mơ ước gì
>> Thanh niên nông thôn đang nghĩ gì?

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, điều gì khiến ông quan tâm, trăn trở nhất về nông thôn hiện nay? 

Hầu như tất cả những gì liên quan đến đời sống người dân ở nông thôn bây giờ đều có vấn đề. Nhưng hai vấn đề theo tôi đáng quan tâm nhất là làm sao tạo được cuộc cách mạng trên cánh đồng mà nó đã quá quen thuộc với người dân. Thứ hai là vấn đề văn hóa. Đây là hai vấn đề nền tảng tạo dựng nên đời sống hiện đại, văn minh ở nông thôn.

Việt Nam đã có cuộc cách mạng ruộng đất, giành ruộng đất từ chủ nô về cho nông dân. Cuộc cách mạng thứ hai, đó chính là khoán 10. Nhưng tôi cho rằng, cần có cuộc cách mạng thứ 3. Đây là cuộc cách mạng sống còn, đó là cuộc cách mạng về tư duy sản xuất, phương tiện sản xuất. Để trên diện tích đất ấy, người nông dân thu lợi nhất. Người nông dân cần được chúng ta mang đến cho họ phương tiện và tư duy sản xuất hiệu quả nhất chứ không phải mang đến cho họ sự cứu trợ khi mất mùa hoặc gặp thiên tai. 

Vậy, theo ông cuộc cách mạng ấy phải bắt đầu từ đâu? 

Trước hết, những người có trách nhiệm quản lý về lĩnh vực “tam nông”, những chuyên gia phải tạo ra những chiến lược lớn, không kém bất cứ một chiến lược nào khác.

Nếu những nhà hoạch định chính sách vẫn không coi đó là vấn đề cấp bách thì khó thành công. Hiện tại, họ vẫn nghĩ rằng giảm thuế cho nông dân vụ này hay vụ khác, mang lại cho nông dân những một số điều kiện và lợi ích dân sinh đã là đủ lắm rồi. Nhưng cái chính là họ phải tư duy để cùng nông dân làm cách mạng mới.

Tiếc rằng, chúng ta chưa chú ý đến vấn đề đó; chúng ta đang mải mê CNH - HĐH mà bỏ đi một khoảng lặng rất lớn. Đến thời điểm này, tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy sự bùng nổ cuộc cách mạng về tư duy sản xuất, phương tiện sản xuất trên cánh đồng quen thuộc. Đây là vấn đề đáng báo động. 

Tôi đọc trong bài viết của ông (Thư của đứa con những người nông dân - NV), có thấy nói một cách đau xót rằng: không phải hiện nay chính quyền, doanh nghiệp không quan tâm tới nông dân; họ có quan tâm nhưng là quan tâm đến mảnh đất của người nông dân… 

Đúng vậy. Tôi vẫn bảo lưu điều này dù có người cho là tôi cực đoan. Người ta chỉ quan tâm việc sử dụng bao nhiêu đất của nông dân để làm dự án. Nông dân được đền bù với giá rất rẻ mạt. Doanh nghiệp đầu tư trở nên quá giầu có. Đây là sự bất cập. Nếu không muốn nói ở đây là sự gián tiếp bóc lột người nông dân. Và, khi tất cả những dự án này không mang lại cho người dân điều gì thì giống như câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”; sau một đêm với lâu đài lộng lẫy thì tỉnh dậy những thứ nhất thời và hão huyền ấy đã biết mất.

Sự đền bù lớn nhất cho nông dân không phải một triệu, hai triệu mà phải là những chính sách, chiến lược và lương tâm của những người quản lí tạo ra chính sách về “tam nông”.

Bỏ rơi nông dân không phải là vất họ ra khỏi cánh đồng mà là không mang lại cho họ những điều kiện để họ tiếp tục có công ăn việc làm. Chúng ta đang bỏ rơi người dân với phương tiện sản xuất rất thấp, tư duy sản xuất rất thấp, phương thức làm ăn quá cũ.

Đó là bỏ rơi ngọt ngào. Sự bỏ rơi này mới rất nguy hiểm, cay đắng.

Sự bỏ rơi ấy dẫn đến điều gì, thưa ông? 

Nó sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề. Khi đời sống kinh tế khó khăn thì sự phát triển của văn hóa gần như là điều không thể. Với giáo dục càng khó khăn gấp bội. Rất nhiều thanh niên nông thôn có khả năng học tập nhưng họ không có điều kiện. Ngay cả khi vào được đại học rồi cũng phải bỏ. Không được học hành, dân trí thấp dẫn đến nhiều phát sinh với thanh thiếu niên. Nếu chúng ta khảo sát ở một số nơi nghỉ mát sẽ thấy phần lớn những cô gái ở các tụ điểm mại dâm đều xuất thân từ các vùng quê. Đây là một hiện thực và không ai có quyền che giấu nó. Những cô gái còn rất trẻ mà tôi cam đoan rất nhiều trong số đó ở độ tuổi vị thành niên. Với họ, số tiền 30 triệu, 50 triệu là cả một tài sản khổng lồ, con đường duy nhất để họ có thể có tiền lập gia đình và tạo dựng cuộc sống. Đây là một bi kịch, một sự đau đớn.

Học hành không đến nơi đến chốn tất sinh ra tội phạm. Chính điều đó đã bịt lối đi của giáo dục, lối đi của văn hóa. Khi giáo dục, văn hóa không phát triển sẽ đẩy con người vào sự hỗn loạn mà ở đó mọi giá trị đều biến dạng. Điều này tôi nghĩ ai cũng biết, nhưng chúng ta phải làm gì thì vẫn còn là một câu hỏi lớn. 

Mấu chốt cuộc cách mạng là con người. Rất nhiều người con của quê, rời làng ra đi, có người trở thành nhà khoa học lớn; có người trở thành nhà hoạch định chính sách; nhưng như ông nói thì có vẻ như những người con ấy vẫn chưa trả được ơn cho đất mẹ, cho quê hương? 

Tôi cho rằng vai trò của người sinh ra ở nông thôn, sau đó thoát ly khỏi quê hương; trách nhiệm của họ được thể hiện ở ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trách nhiệm không được quên nguồn cuội. Cái này rất quan trọng, bởi một người đã quên đi gốc gác của mình thì anh ta có thể quên nhiều thứ khác. Những người rời làng ra đi ấy có trở về nhưng trách nhiệm của họ với những khó khăn, bế tắc của người nông dân chỉ ở mức độ cá nhân. Sự trợ giúp này chỉ mang đến niềm an ủi cho chính bản bản thân họ mà thôi. Và, nếu tất cả mới chỉ dừng lại ở đó thì chúng ta lại rơi vào sự bế tắc lớn hơn.

Trách nhiệm lớn hơn là, nếu anh không có quyền chức, thì bằng cách này cách khác như tuyên truyền, cảnh báo về những vấn đề của nông thôn để giúp cơ quan quản lý nông thôn hoạch định chính sách phù hợp.

Đặc biệt, những người đi ra từ nông thôn, có vị trí cao, có vai trò quyết định chính sách lớn với nông thôn thì họ phải nhìn nhận nông thôn không chỉ là nguồn cội của mình; không chỉ xây một nhà thờ họ mà ở đó đó phải tạo ra những chính sách cải biến đời sống, dân trí nông thôn. Mang vào đó những văn minh, bởi nếu không có văn minh nông thôn suốt đời u tối. Ở đó, chỉ còn những thứ mà chúng ta ngó vào đó như một sự tò mò, lạ lẫm. 

Nếu cho rằng, chúng ta đang quay lưng với nông thôn, ông thấy có nặng nề không? 

Không. Tôi nghĩ thế. Tài sản người, lương thực trong chiến tranh, nông thôn đóng góp là chính. Lúa thóc từ nông thôn ra chiến trường. Máu từ nông thôn chảy ra chiến trường và trong kháng chiến thì nông thôn là thánh địa, là căn hầm che chở bất tận. Thế nhưng, chúng ta đã có chính sách gì cho nông dân sau 1975? Quá ít. Chúng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp hàng ngàn thuận lợi nhưng nông dân và nông thôn được gì?

Tôi thấy rằng, nông dân đang sống phụ thuộc vào những may mắn hơn là vì những chiến lược lớn đang được thực thi. Chúng ta có bao nhiêu kĩ sư nông nghiệp được đào tạo, nhưng tôi xin hỏi, có bao nhiêu người về nông thôn giúp người dân? Rất nhiều người đi học làm bác sĩ, nhưng trạm xá ở nông thôn bây giờ chỉ là những nơi bán thuốc lẻ của một vài người không có cơ hội kiếm việc làm ở những thành phố, với những bằng trung cấp, sơ cấp, với trình độ yếu kém.  

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có nghị quyết về “tam nông”. Từ năm 1954 đã có chính sách ruộng đất nhưng tôi đã nói một lần, hai lần, ba lần và tôi vẫn nói một lần nữa rằng: Nếu chúng ta lấy đi một chiếc ti vi rẻ tiền hay một chiếc xe máy Tầu thì nông thôn còn gì? Ngày xưa hệ thống giáo dục chúng ta ở nông thôn chặt chẽ hơn, đội ngũ chăm sóc sức khỏe ở nông thôn kỹ lưỡng, những phong trào văn hóa phổ cập. Còn bây giờ, chúng ta tưởng rằng nông thôn đang khởi sắc nhưng thực tế xấu đi rất nhiều. Chúng ta phải làm gì để thay đổi điều đó chứ. Tôi thấy rất sốt ruột. 

Chúng ta vẫn nói nhiều đến chính sách nhưng làm thì sao? Nhiều văn bản, chính sách đấy nhưng chỉ về đến Văn phòng UBND huyện rồi dừng lại ở đó. Cùng lắm, có hội nghị triển khai cho các chủ tịch xã; họ lên đến thị trấn uống một trận bia rồi về. Tại sao những người gần dân nhất, lẽ ra phải lo cho dân nhất mà lại đổ đốn thế.

Chúng ta không thiếu những chuyên gia làm chính sách, nhưng thực hiện chính sách đó thì tôi ngờ vực. Có lẽ, khi nhận thức được rằng nông thôn như một thất bại lớn thì người ta mới sinh ra một nghị quyết thực tâm nhất, sát sao nhất chứ không phải hô hào những khẩu hiệu đơn thuần. 

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm