Chiều qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là vấn đề được các ĐB Quốc hội và dư luận đặc biệt quan tâm trong kỳ họp này. Quan tâm bởi một lẽ, nếu thực hiện thành công, người dân nước ta có thêm một thước đo tín nhiệm với những người giữ chức vụ trọng yếu trong bộ máy quản trị quốc gia.
Quốc hội đã bầu và bổ nhiệm ra 49 vị giữ các chức vụ quan trọng bậc nhất trong hệ thống quyền lực nhà nước. Sau khi được bổ nhiệm, Chính phủ và từng thành viên trong Chính phủ cũng như người đứng đầu các cơ quan tối cao khác phải chịu trách nhiệm báo cáo, chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, thước đo chỉ số hài lòng của dân đối với những người tham gia trả lời chất vấn cũng như tham gia quản lý Nhà nước chưa thật cụ thể, thậm chí mang tính trừu tượng nhiều hơn.
Lâu nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ thuộc các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn gần như là điều không tưởng. Bởi, thực tế ở một vài nơi, một vài ngành người dân không có quyền quyết định sinh mạng chính trị của cán bộ, cho dù cán bộ đó có sai phạm.
Một khi cán bộ cho mình có quyền quyết định tất cả sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị, bất ổn xã hội. Thế nên, mới có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… sa vào chủ nghĩa ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng”.
Trong nhiều cuộc thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều ĐB cũng băn khoăn trước thực trạng công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đến đánh giá, kiểm tra, giám sát, xử lý… rất yếu. Chính vì thế mới có chuyện ở nơi này, nơi khác cán bộ xa dân, không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo đến lợi ích của cá nhân, gia đình, “lợi ích nhóm” mà quên đi trách nhiệm “công bộc của dân”; làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác cán bộ.
Nhưng, để thực hiện hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, cũng như coi đó như một công cụ khá đặc biệt trong hoạt động nghị viện, có tính bất thường, chỉ diễn ra khi có dấu hiệu suy giảm niềm tin một cách nghiêm trọng giữa cơ quan dân cử và các cơ quan giữ quyền hành pháp, thì theo nhiều ý kiến, cần phải công khai, minh bạch kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Càng làm tốt và công khai hóa kết quả lấy phiếu tín nhiệm như một thói quen bình thường, càng giảm dần nguy cơ bất bình thường phải “bỏ phiếu tín nhiệm” khi niềm tin của cử tri suy giảm.
Đó cũng cách lấy lòng dân và niềm tin của người dân, của cử tri cả nước vào cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội.