Đêm 14/4/2024, nhà báo Thái Duy qua đời tại nhà riêng (phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hưởng thọ 99 tuổi. Tưởng nhớ đến ông, một cây bút gắn bó với người nông dân (tác giả sách “Khoán chui hay là chết”), Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài tường thuật này cách đây 70 năm.
**
Ngày 13/5, tại Điện Biên Phủ giải phóng, Bộ Tổng tư lệnh cử hành lễ duyệt bình các đơn vị vừa đại thắng ở Mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong sương sáng đang tan dần, giữa cánh đồng bao la bát ngát, các đơn vị đến dự lễ bố trí thành đội ngũ chỉnh tề: bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ pháo xếp hàng thẳng tắp. Như hoa nở mùa xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện bao nhiêu anh hùng chiến sĩ thi đua, trên hàng quân rực rỡ chói lọi những Huân chương Quân công, Huân chương Chiến sĩ trên ngực, trên các lá cờ đỏ rực cắm trước từng đơn vị.
Đúng 6 giờ sáng. Đại tướng Tổng tư lệnh, cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ thương binh cựu binh, ông Nguyễn Văn Trân - Thứ trưởng Bộ giao thông công chính, ông Tôn Thất Tùng - Thứ trưởng Bộ y tế trong phái đoàn Chính phủ đi thăm mặt trận đã tới khai mạc buổi lễ. Cùng đi với Đại tướng có Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Đại tá Bằng Giang, Đại tá Vương Thừa Vũ...
Trên kỳ đài, nhận thấy nhiều cán bộ cao cấp, nhiều Anh hùng và Chiến sĩ thi đua trong quân đội, đại diện Hội đồng Cung cấp mặt trận, đại diện khu Tây Bắc, ông Chủ tịch tỉnh Lai Châu, các Chiến sĩ dân công gương mẫu, các cán bộ địa phương gương mẫu người Thái, Mèo, Xá, có đại biểu các nhà báo...
Đại bác nổ nhiều loạt rung chuyển cả núi rừng báo hiệu buổi lễ bắt đầu.
Sau lễ chào cờ và truy điệu, toàn thể đã đứng nghiêm nghe vị đại diện Chính phủ đọc thư của Hồ Chủ tịch trước máy truyền thanh. Người đã căn dặn cán bộ và chiến sĩ, các dân công và thanh niên xung phong và đồng bào địa phương không vì thắng lợi lớn mà chủ quan khinh địch.
Vừa nghe một câu trong thơ của Người:
“Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ. Các chú có tán thành không?".
Toàn thể cán bộ và chiến sĩ đều hô lớn "tán thành" và bức thư đọc xong, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm" bật lên khắp nơi.
Sau đó tuyên đọc điện văn của Quốc hội và Ủy ban Liên Việt, của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi mừng chiến thắng và khen ngợi các cán bộ và chiến sĩ Điện Biên Phủ, anh chị em dân công và đồng bào địa phương.
Đại tướng bắt đầu đọc nhật lệnh, chào mừng đại thắng Điện Biên Phủ, tuyên dương công trạng trong toàn thể Quân đội nhân dân Việt Nam các đơn vị đã chiến thắng quân địch ở Điện Biên Phủ và nhận định thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng đã nêu bật những nguyên nhân đã đưa tới thắng lợi và ra lệnh cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ tiếp tục phát huy thắng lợi để xứng đáng là những “Chiến sĩ Điện Biên Phủ".
7 giờ sáng, cuộc duyệt binh bắt đầu. Đại tướng từ từ đi duyệt từng đơn vị, dừng lại chào lá cờ của từng đơn vị, bắt tay từng cán bộ chỉ huy. Máy truyền thanh giới thiệu thành tích từng đơn vị: Đây là các đơn vị bộ binh, những đơn vị đã tiêu diệt Him Lam, Độc Lập, chiến thắng ròn rã đầu tiên trong cuộc tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong hàng quân, đồng chí Hội đại đội phó đeo 8 Huân chương Chiến sĩ lấp lánh đầy ngực. Đơn vị của khu Đông đã giành giật từng thước đất với giặc, giữ vững những cao điểm cháy trụi, tan nát không còn ngọn cỏ cho tới phút cuối cùng xuất kích đánh vào Mường Thanh. Những đơn vị đã ngày đêm đào từng nhát cuốc, cắt đứt sân bay địch ra từng mảnh, những đơn vị đã bao vây chặt Hồng Cúm từ lúc nổ súng và lúc địch định phá vòng vây, đã truy kích bắt sống toàn bộ gần hai ngàn địch.
Đây là các đơn vị công binh đã mở đường thắng lợi, phá rừng, bạt núi làm kịp hàng trăm cây số đường để kéo pháo vào trận địa, đã ngày đêm lăn xả vào bom nổ chậm phá cho kỳ được, bảo đảm cho 5, 6 trăm cây số đường giao thông từ hậu phương lên chuyển vận lương thực võ khí.
Trên hàng đầu của pháo là 4 khẩu trọng pháo cướp được của địch đã từng chiến thắng ở Hòa Bình - Đông Xuân 1953. Trên lá chắn của súng ghi dòng chữ quyết tâm viết từ ngày mới vào trận địa "Đã chiến thắng ở Hòa Bình thì nhất định chiến thắng ở Điện Biên Phủ". Những khẩu trọng pháo đã được vinh dự bắn phát súng đầu tiên mở đầu chiến dịch và từ đấy cho đến khi địch đầu hàng đã liên tiếp dội đạn lên đồn trại của kẻ thù.
Đây là các đơn vị pháo binh 75 ly, trên vai đã chuyển hàng tấn thép, vận động hết đồi này qua đồi khác, theo sát bộ binh vào tung thâm trong hầu hết các trận công kiên, đã yểm hộ đắc lực cho bộ binh phòng ngự trận địa và chỉ riêng 3 khẩu đội vào sát sân bay đã bắn tan 16 máy bay của địch.
Đây là binh chủng trẻ tuổi nhất của quân đội chúng ta, các đội cao xạ pháo lần đầu tiên xuất trận nhưng chiến công rất oanh liệt: bắn rơi các kiểu máy bay của Mỹ tiếp viện cho Pháp, dũng cảm vào tận sát sân bay và đồn địch để kiềm chế không phận, chiến đấu cả ngày đêm không lúc nào ngừng. Những chiến sĩ cao xạ pháo phần lớn trẻ măng; đầu đội mũ sắt đồng loạt, bom cày chung quanh súng mà không rời vị trí chiến đấu. Một đại đội có cắm lá cờ trước mặt, thêu dòng chữ “Lập công đầu” và được Huân chương Quân công hạng ba, đã bắn tan chiếc máy bay đầu tiên trên chiến trường Điện Biên Phủ, mở đầu cho truyền thống dũng mãnh của cao xạ pháo Việt Nam.
Sau khi đã lần lượt đi duyệt từng đơn vị, Đại tướng trở về trước kỳ đài trao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng" của Hồ Chủ tịch cho các đơn vị chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Đoàn trưởng Quang Trung đã cùng 6 chiến sĩ có công thay mặt các đơn vị nhận lá cờ tiến về giữa thao trường, dừng trước hàng quân.
Sau khi trao cờ, Đại tướng đã căn dặn các đơn vị:
“Lá cờ này là lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng" của Hồ Chủ tịch trao cho quân đội ta. Dưới lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch, quân đội ta đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ, đã chiến thắng trên các chiến trường toàn quốc.
Dưới lá cờ này các đồng chí hãy vì độc lập dân tộc, vì ruộng đất dân cày, vì hòa bình của Á đông và thế giới, hãy dũng cảm tiến lên".
Nghe những lời nói đanh thép của Đại tướng, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấy lòng mình sôi lên, nhìn lá cờ không chớp mắt.
Buổi lễ bế mạc lúc 8 giờ sáng. Từ trong rừng đoàn xe cơ giới rầm rầm tiến ra thao trường kéo các khẩu trọng pháo và cao xạ về vị trí trú quân.
“Cộng tác viên ngoài quân đội có các nhà báo, nhà văn, như: Thép Mới (Báo Nhân Dân); Hoàng Tuấn (Việt Nam Thông tấn xã); Nguyễn Văn Thân (Đài Tiếng nói Việt Nam); Chính Yên, Thái Duy (Báo Cứu quốc), nhà văn Nguyễn Đình Thi...
Có thể nói, những cộng tác viên ngoài quân đội chúng tôi không thuộc lực lượng nào trong đội hình chiến đấu của chiến dịch, nhưng ai cũng thấm nhuần quyết tâm của Bác Hồ, của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh và tinh thần như chính những chiến sĩ Điện Biên, để viết tin, bài gửi báo đăng, đúng như phóng viên của Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân.
Sinh hoạt và tác nghiệp của chúng tôi chẳng khác nào những phóng viên chiến trường của bản báo, như Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp... thường ăn cùng, ở cùng, đến các công sự, trận địa cùng đồng nghiệp Báo Quân đội nhân dân”.
(Nhà báo Thái Duy)