| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/08/2022 , 19:01 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

19:01 - 02/08/2022

Lễ phục, đừng biến thành ‘phục lễ’

Chỉ vì bộ lễ phục không hợp nhãn thiên hạ mà đại học bị tấn công không thương tiếc, cùng rất nhiều những dạy dỗ của đủ mọi tầng lớp trong xã hội.

Dư luận dậy sóng về bộ áo quần và phụ kiện ở lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Dư luận dậy sóng về bộ áo quần và phụ kiện ở lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Lễ phục”, ngoài cái nghĩa chỉ áo quần dùng trong các buổi lễ, chúng tôi còn muốn sử dụng nó như một cách chơi chữ để nói đến cái sự “phục lễ” mang tính áp đặt, tôn ti, phục tùng.

Khi dư luận dậy sóng về bộ áo quần và phụ kiện ở lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) với những chỉ trích nặng nề thì chắc cũng sẽ tác động không ít tới tâm lý của những chủ nhân bao gồm cả các thầy cô lẫn sinh viên của trường. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi băn khoăn và lo ngại nhất không phải là chuyện ấy, mà là quyền lực đám đông và tình trạng thiếu hiểu biết về nhiều mặt.

Đại học ở phương Tây ra đời từ nhà thờ, trải qua một thời gian dài nó mới tách ra để thành một thiết chế độc lập. Tuy vậy vì vai trò to lớn và tính chất đặc thù trong sự tìm kiếm, phát minh, và trao truyền tri thức vô giá nên nó vẫn là vầng trán của xã hội, là linh hồn của một quốc gia và toàn thể nhân loại. Nó được tôn trọng và ngưỡng vọng cho đến tận ngày nay và có lẽ sẽ luôn luôn là như thế.

Nhưng, ở ta, chỉ cần một bộ lễ phục không hợp nhãn thiên hạ thì đại học bị tấn công không thương tiếc, cùng rất nhiều những dạy dỗ của đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Điều ấy chứng tỏ rằng, hoặc đại học ở Việt Nam đã tự đánh mất giá trị nội tại để rồi bị coi thường; hoặc chúng ta đang có một công chúng liều lĩnh coi thường trí thức và tri thức. Có lẽ vế sau nguy hiểm hơn vế trước, vì dù không thể phủ nhận những hạn chế trong giáo dục đại học ở ta, nhưng cũng phải thừa nhận ở những mức độ nhất định về chất lượng ở không ít cơ sở giáo dục. Nghĩa là, dù sao đi nữa, đại học và những người tốt nghiệp ở các đại học ấy vẫn đáng nhận được sự tôn trọng phù hợp.

Nhưng không, một bộ quần áo không vừa mắt thôi lập tức họ bị đưa ra dè bỉu, châm chọc, phê phán và kết án như một phường lai căng, rởm đời. Đó là một thái độ cảm tính và không thiếu sự bất công. Nguy hiểm hơn, nó đe dọa một cách sâu sắc tới nền tảng tinh thần của toàn xã hội khi mà sự rẻ rúng tri thức và tầng lớp có học đã trở nên một thứ khinh thị ra mặt.

Một xã hội như thế là xã hội không những đang đánh mất niềm tin mà còn luôn sống trong sự ngạo mạn và ảo tưởng. Đó không phải là một “xã hội học tập”, và như thế, nó sẽ kéo ghì tinh thần xuống, chứ không còn là hướng thượng nữa.

Câu chuyện lễ phục này không chỉ dừng lại ở đó khi mà Hiệu trưởng một trường đại học bị Giám đốc yêu cầu “báo cáo” chỉ vì dư luận về cách ăn mặc không quen mắt. Xin nhớ rằng, cách ăn mặt như thế, dù có khó coi đến đâu đối với một số người thì cũng không phải là vi phạm pháp luật hay phạm vào cái gọi là “thuần phong mĩ tục”; đó là chưa nhắc gì tới việc nó rất quen thuộc ở các trường đại học trên khắp thế giới. Cái yêu cầu báo cáo và lệnh “điều chỉnh” chứng tỏ rằng Đại học Quốc gia Hà Nội đã thiếu cả những thông tin và hiểu biết vốn rất phổ biến trên thế giới trong các buổi lễ tốt nghiệp.

Tệ hơn, khi một hiệu trưởng bị buộc phải giải trình chỉ bởi một hành vi thông thường, báo chí rầm rộ đưa tin và dư luận tỏ ra thỏa mãn, thì vị hiệu trưởng ấy đã bị tước mất quyền lực và sự tôn nghiêm. Và không chỉ hiệu trưởng mà vị thế và danh dự của đại học cũng bị ảnh hưởng – trớ trêu thay, lý do ở đây lại không phải bởi chất lượng đào tạo của họ, mà chỉ là chuyện áo quần.

Quyền lực tri thức được biểu tượng nơi cây quyền trượng lập tức bị rẻ rúng trước một quyết định hành chính của cấp trên. Theo chúng tôi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một hành động không chỉ thiếu cân nhắc mà còn chứng tỏ rằng họ đã không thật sự ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh cho nhà giáo lẫn tri thức.

Tự chủ đại học là một chủ trương đúng và đang được nhấn mạnh, đề cao; tiếc thay, qua sự kiện này chúng ta thấy nó trở nên rất mong manh. Tự chủ gì khi mà đến việc quyết định mặc bộ lễ phục nào trong lễ tốt nghiệp cũng bị tuýt còi? Tự chủ gì khi để vỗ yên dư luận, một dư luận không phải khi nào cũng hiểu biết, mà cấp trên sẵn sàng đổi đứt sự tôn nghiêm của hàng ngàn con người một cách lạnh lùng và dễ dãi đến vậy?

Trường đại học Việt Nam đang ở đâu trong xã hội? Đó là một câu hỏi không những hệ trọng mà còn gây nên nỗi lo lắng, thậm chí sợ hãi khi hình dung về câu trả lời. Nhà trường, thầy cô, tri thức và người học, đó không những là tài nguyên vô giá của một quốc gia, mà còn là linh hồn có sứ mạng kiến tạo khí quyển văn hóa cho dân tộc. Tình trạng một công chúng coi khinh nền giáo dục và các cấp quản lý hành chính dễ dàng xuống tay với nó chứng tỏ rằng đại học đang bị đe dọa từ cả hai phía: người dân và quyền lực hành chính.

“Nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh ra đê tiện”, Nam Cao đã nói rất hay và rất đúng như thế. Nếu muốn có một nền giáo dục tử tế, bên cạnh việc đầu tư tiền của, đòi hỏi chất lượng, thì sự tôn trọng luôn phải là một yêu cầu. Đó mới chỉ là nói trên nguyên tắc cơ bản, chứ bàn về tự do học thuật thì còn phải đặt ra nhiều yêu cầu hơn nữa. Một chút khác biệt hay không thuận mắt trong chuyện áo quần thôi mà đã khiến cả cộng đồng lẫn người quản lý mang đại học ra “xử” rồi, thì thử hỏi còn ai đủ tự tin để dám nói về tự do học thuật, về độc lập tư duy, về sáng tạo và phát kiến?

Đại học (và giáo dục nói chung) cần được trả lại sự tôn nghiêm của nó nếu chúng ta còn muốn mơ về một xã hội phát triển, phồn thịnh và văn minh. Trả lại những điều tưởng như bình thường nhưng không thể thiếu vắng ấy cho nó, thì mới có thể hi vọng và được quyền đòi hỏi. Khi nào đại học còn bị khinh khi và sống trong thân phận tôi đòi, khi ấy cả xã hội còn thiệt thòi.

Hãy để lễ phục là lễ phục, đừng biến thành “phục lễ”.