| Hotline: 0983.970.780

“Lên bờ xuống ruộng”

Thứ Sáu 11/04/2014 , 09:36 (GMT+7)

Mô hình kết hợp trồng lúa kết hợp hoa màu được nông dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gọi là mô hình “lên bờ xuống ruộng” (2 lúa 1 màu).

Sau khi làm hai vụ lúa, họ tiếp tục trồng hoa màu vào vụ ba. Khi lúa lên bờ thì đậu bắp, bầu, bí... “bò” xuống ruộng; đặc biệt cây đậu xanh chiếm ưu thế.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNN huyện Trần Văn Thời, diện tích xuống giống mô hình “lên bờ xuống ruộng” gồm rau màu và đậu xanh trên địa bàn huyện là 3.050 ha, đạt 101,67% kế hoạch, trong đó đậu xanh 507 ha, năng suất bình quân 1,9 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đ/ha.

Ông Ngô Xuân Quang (53 tuổi), ngụ tại ấp Cơi 5, xã Khánh Bình Tây trong vụ xuống giống đậu xanh trên diện tích 7 công, năng suất đạt 200 kg/công. Sau khi trừ tất cả chi phí, còn lãi 30 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với trồng một vụ lúa.

Ấp Cơi 5 có 73 hộ dân trồng đậu xanh với diện tích 105 ha. Các hộ dân được chính quyền địa phương khuyến khích “dần đổi công cho nhau”, cứ 4 -5 hộ vào một tổ hợp tác hỗ trợ nhau trồng, tạo ra phong trào trồng đậu rộng khắp. Trung bình năng suất đậu xanh đạt 1,9 tấn/ha, đem lại cho ấp thu nhập gần 5 tỷ đồng sau gần 3 tháng trồng.

Cùng thành công với ông Quang và các hộ dân ở ấp Cơi 5, là các hộ dân ở ấp Nhà máy A (xã Khánh Hưng). Tiêu biểu là anh Trương Thi (34 tuổi) trồng gần 1 ha đậu xanh thu lãi gần 35 triệu đồng...

Đánh giá về mô hình “lên bờ xuống ruộng” trong vụ vừa qua, ông Sử Đức Minh, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Trần Văn Thời cho biết: "Nhìn chung là thành công tốt đẹp. Trồng đậu xanh dưới ruộng đang là mô hình phát triển bền vững. Ngoài lợi nhuận kinh tế khá cao thì xác bã của cây đậu được tận dụng làm phân bón nhằm cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm được phân cho vụ tiếp theo".

Theo tư vấn của ông Sử Đức Minh, PV có chuyến đi thực tế về xã Trần Hợi để tham quan các mô hình trồng màu. Đúng là nhờ “xuống ruộng” mà hoa màu mang lại hiệu quả tốt. Anh Ngô Văn Tự (32 tuổi) ở ấp 5, xã Trần Hợi “xuống ruộng” vào đầu tháng 1/2014 trên diện tích 1 ha. Trên bờ bao anh trồng bí đao và bí đỏ, dưới ruộng trồng dưa gang và đậu bắp. Sau hơn 2 tháng chăm sóc cây bắt đầu cho thu hoạch.

Theo anh Tự, bí đỏ, bí đao và dưa gang hiện giá 3.000 đ/kg, đậu bắp 5.000 đ/kg được thương lái địa phương thu mua tại ruộng. Tính trung bình mỗi tuần gia đình có nguồn thu nhập 5 - 6 triệu đồng. Vụ này anh có thể đạt tổng thu nhập khoảng 60 triệu, trừ chi phí phân thuốc 8 - 10 triệu, lãi ít nhất là 50 triệu.

"Năm nay “lên bờ xuống ruộng” được mùa, tuy giá không cao nhưng sâu bệnh ít, sản lượng trúng nên thu nhập khá. Bà con quanh đây có vài người làm đều được nên rất khấn khởi", anh Tự chia sẻ. Cùng chung niềm vui với anh Tự là anh Trịnh Bá Quyền (27 tuổi, ở ấp 1, xã Trần Hợi). Anh Quyền có 6 công đất trồng màu, chủ yếu là đậu bắp và bầu sao. Đến nay đã thu được 25 triệu đồng.

Đánh giá về mô hình “lên bờ xuống ruộng”, ông Trần Vững, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi cho biết: "Khó khăn nhất là thiếu nước tưới vào mùa khô hạn. Song người dân đã rút được kinh nghiệm và chuẩn bị trước nên vấn đề này đã được khắc phục. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Năm tới sẽ khuyến khích nhân rộng, nhằm tránh lãng phí đất bỏ không vào mùa khô".

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.