| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 05/02/2022 , 19:47 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:47 - 05/02/2022

Lì xì cho đẹp lòng ai?

Lì xì là một mỹ tục không nhằm để làm đẹp lòng bất kỳ ai. Lì xì là một món quà thể hiện sự yêu thương và sự hy vọng...

Những ngày Tết Nhâm Dần vừa qua, có một câu chuyện được nhiều người lan truyền, đó là việc cụ Lý Phưng 90 tuổi nắn nót viết họ tên cả 37 đứa cháu chắt lên từng cái phong bì để lì xì đầu năm. Cụ Lý Phưng từng làm hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Ân Bắc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Hình ảnh cụ Lý Phưng và những cái phong bì ấy, biểu trưng cho vẻ đẹp của mỹ tục lì xì. Đáng tiếc, những trường hợp như cụ Lý Phưng đang ngày càng ít ỏi dần. Nói cách khác, mỹ tục lì xì có nguy cơ mai một, do nhiều người hơi xem nhẹ nó hoặc lạm dụng nó cho mục đích riêng.

Vẫn chưa có một tư liệu khả tín nào để xác định mỹ tục lì xì có từ bao giờ. Ở các quốc gia phương Đông ăn tết theo âm lịch, đều có mỹ tục lì xì. Người Trung Quốc dùng phong bì màu đỏ, người Hàn Quốc dùng phong bì màu trắng, người Malaisia dùng phong bì màu xanh... Tuy khác nhau về màu sắc, nhưng phong bì lì xì đều có chung thông điệp cầu chúc may mắn và bình an cho người được nhận.

Tại Việt Nam, mỹ tục lì xì rất được chú trọng. Vài năm gần đây, nhiều người còn mạnh dạn đề xuất lì xì cho trẻ em bằng sách, để phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, lì xì bằng tiền mặt vẫn rất thông dụng, và càng ngày càng có thêm nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Đối tượng để lì xì là trẻ em. Thế nhưng, người lớn lại quyết định giá trị của phong bì. Mỹ tục lì xì bằng những đồng tiền có mệnh giá nhỏ có vẻ không còn tạo được hứng thú cho một bộ phận xã hội manh tâm toan tính lợi danh. Cho nên, không mấy khó hiểu, khi phong bì lì xì dành cho con cháu của những nhân vật có chức tước thường được cân nhắc con số vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Nói trắng ra, họ nhân danh mỹ tục lì xì để biếu xén người mà họ phải quỵ lụy một cách hợp lý.

Thử quan sát mỹ tục lì xì vài năm gần đây, thì thấy có không ít biểu hiện đáng ái ngại. Một số người xem cái phong bì như một thứ chứng minh đẳng cấp để kèn cựa lẫn nhau. Có người lì xì nhiều tiền để tỏ ra thành đạt, thì có người mặc cảm vì khả năng tài chính chỉ có thể lì xì ít tiền. Thậm chí, người nọ ngó phong bì lì xì của người kia để... lì xì lại cho tương xứng.

Khi người lớn cố ý làm méo mó mỹ tục lì xì, thì trẻ em cũng phát sinh những hành vi phản cảm. Có không ít trẻ em vừa nhận lì xì thì xé ngay phong bì trước mặt người trao để hồn nhiên kiểm đếm, kèm theo sự phấn khởi hoặc sự bĩu môi về định lượng dày mỏng của những tờ tiền. Oái ăm thay, nhiều bậc phụ huynh không hề thấy điều này cần phải chấn chỉnh, mà còn cổ vũ rằng “thằng bé khôn ngoan lắm” hoặc “con bé rất lanh lẹ”.

Lì xì là một mỹ tục không nhằm để làm đẹp lòng bất kỳ ai. Lì xì là một món quà thể hiện sự yêu thương và sự hy vọng của người lớn dành cho trẻ em. Nếu người lớn tranh thủ mỹ tục lì xì để ứng xử tinh ranh với người lớn, thì những đồng tiền phúc lành đầu năm sẽ để lại dư vị muộn phiền.