TX Đông Triều có tổng diện tích tự nhiên gần 40.000ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 12.104ha, chiếm 30,52%. Diện tích trồng cây hàng năm 6.295,73ha, chiếm 52,01% diện tích đất nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dụng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025, Đông Triều đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung, bền vững, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi.
Đơn cử như vùng sản suất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng trồng cây ăn quả. Hiện nay tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn thị xã là 2.097ha, phân bố ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn.
Hiện cây na có diện tích lớn nhất trong nhóm cây ăn quả với diện tích 889,6 ha được tập trung tại các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê, Bình Dương. Trên địa bàn thị xã trồng 4 giống na chính là na dai, na bở, na Đài Loan, na Thái. Đa số các hộ chủ yếu trồng na dai, riêng giống cây na Đài Loan, na Thái mới được trồng thử nghiệm 3 năm nay và có hộ bắt đầu cho thu hoạch.
Na dai Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó, na chín đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Vì vậy, nhiều năm nay, cây na đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của thị xã.
Năng suất na tại Đông Triều bình quân ước đạt 125 tạ/ha, sản lượng 11.120tấn/năm, mang lại khoảng 200 tỷ đồng doanh thu cho các hộ dân. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11.
Để sản phẩm na dai Đông Triều có thương hiệu, phát huy được hết giá trị, từ năm 2018, TX Đông Triều phối hợp với Bộ NN-PTNT, Sở KH-CN, Sở NN-PNT vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được trên 300ha, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp nhãn hiệu tập thể.
Quả na dai sau thu hoạch được dán mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm. Tại xã An Sinh, nơi có diện tích trồng na lớn nhất TX Đông Triều, cây na hiện chiếm 1/3 tổng thu nhập từ nông sản của xã, đóng góp khoảng 100 tỷ đồng/năm vào lĩnh vực nông nghiệp địa phương.
Sản phẩm na dai Đông Triều hiện được tiêu thụ thông qua các điểm thu mua chính của các hộ gia đình với quy mô từ 50-150 tấn/năm và các thương lái tỉnh ngoài vào thu mua, vận chuyển bằng phương tiện ô tô, xe máy. Thị trường tiêu thụ na Đông Triều gồm trong tỉnh và một số tỉnh ngoài như Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện cây na Đông Triều vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, nhiều diện tích vườn đã khai thác vài chục năm nay, đang có hiện tượng nhiều cây đã kiệt quệ, già cỗi, bộ rễ yếu, ảnh hưởng rất nhiều sinh trưởng và phát triển của cây cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm.
Người nông dân trồng na tại TX Đông Triều đại đa số sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, việc tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn rất hạn chế. Nhất là giống ra mới. Hiện nhiều hộ có diện tích đủ điều kiện trồng na hoặc đã có diện tích trồng, tuy nhiên, còn thiếu vốn để đầu tư trồng hoặc chăm bón cây na, cũng như chuyển đổi giống cây na mới.
Nhà nước đang khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP, tuy nhiên, công tác quản lý về tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Việc dán nhãn tem và truy xuất nguồn gốc sản phẩm na đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa thật sự hiệu quả. Cụ thể, xuất hiện tình trạng quả na giả danh na VietGAP Đông Triều được bán ở nhiều nơi, dẫn đến uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, việc tiêu thụ na trên sàn thương mại điện tử Đông Triều Mart, Postmart, Voso và các siêu thị chưa nhiều.
Bên cạnh những mặt thuận lợi về các chủ trương, chính sách ưu đãi mang lại, vẫn còn tình trạng người trồng na bị thương lái ép giá hoặc được mùa thì rớt giá. Giá cả vật tư đầu vào còn cao (có thời điểm phân bón tăng theo ngày).
Để giải quyết những khó khăn trên, sáng 30/6, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị "Liên kết ''6 nhà'' trong sản xuất và tiêu thụ na Đông Triều". Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho biết, hiện sản phẩm na Đông Triều đang rất cần các cấp, ngành quan tâm, tiếp tục có các chính sách mới hỗ trợ người trồng na về sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
"Hiện nay, chủ trương liên kết ''6 nhà'' với vai trò đặc biệt quan trọng của nhà nước và được coi là nhạc trưởng trong mối liên kết này. Từ đó, giúp kết nối các doanh nghiệp trong đầu tư vốn, giống cho nông dân, tạo ra các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm na Đông Triều, giúp bà con nông dân trồng na ngày một phát triển bền vững và hiệu quả", ông Độ nhấn mạnh.
Sản phẩm na dai Đông Triều cùng với các sản phẩm cây ăn quả được chứng nhận VietGAP đã có tác động tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Từ sự thay đổi của các mô hình, người tiêu dùng đã tin tưởng về chất lượng sản phẩm na Đông Triều, giá bán đã tăng từ 10-15% so với sản xuất thông thường.