| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất thanh long sạch ở Hội quán Cầu Đôi

Thứ Tư 26/07/2023 , 09:22 (GMT+7)

LONG AN Hội quán là nơi nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ chuyện xóm, chuyện nhà.

Mô hình hiệu quả, đời sống khá

Châu Thành là huyện nông nghiệp của Long An. Thu nhập của người dân chủ yếu là sản xuất cây thanh long và nuôi tôm. Hiện Châu Thành được xem là thủ phủ thanh long của tỉnh Long An với diện tích khoảng 8.000ha.

Những năm gần đây, mặc dù địa phương đã đầu tư nhiều nguồn vốn nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp cho nông dân làm ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Tuy nhiên, điệp khúc được mùa rớt giá vẫn diễn đi diễn lại chưa bao giờ dứt. Vấn đề này đã làm cho người nông dân chưa an tâm trong đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, nhất là trái thanh long. Trong bối cảnh đó, ở xã An Lục Long có mô hình Hội quán Cầu Đôi, các thành viên được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên trong Hội quán ngày càng được nâng cao.

Tìm đến gặp ông Trương Minh Trung, Giám đốc HTX Long Hội, Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi (ấp Nhà Việt, xã An Lục Long) vào buổi trưa hè, chúng tôi được ông dẫn tham quan không gian sinh hoạt, các “vườn mẫu” đang có thanh long chín đỏ, nhà kho chứa vật tư của Hội quán.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trung cho biết: Hội quán Cầu Đôi, xã An Lục Long được thành lập vào tháng 7/2019. Ban đầu, Hội quán chỉ có 22 thành viên tham gia, đến nay, đã phát triển lên đến 86 thành viên tham gia. Diện tích canh tác được 45ha cây thanh long, gồm thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ.

Bà con hội viên sinh hoạt tại Hội quán Cầu Đôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: TL.

Bà con hội viên sinh hoạt tại Hội quán Cầu Đôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: TL.

Hội quán là mô hình do nông dân tự nguyện cùng lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất cây thanh long, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ chuyện xóm, chuyện nhà… Hàng tháng, Hội quán tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần vào ngày 17 dương lịch.

Nội dung sinh hoạt của Hội quán rất phong phú, các thành viên bàn luận, trao đổi cách làm mới, hiệu quả, xem phim tư liệu, nghe các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản, phục vụ cho lợi ích của các thành viên. Thành viên nòng cốt của Hội quán Cầu Đôi là xã viên của HTX Long Hội, khoảng 50%.

Ông Trương Minh Trung nói, thanh long là cây trồng chủ lực của địa phương, “nếu như không trồng thanh long thì nông dân ở đây cũng không biết trồng cây gì nữa”.

Nhờ trồng thanh long mà đời sống kinh tế của nông dân địa phương rất khá giả, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và đưa kinh tế của địa phương đi lên. Đặc biệt, nhờ tham gia hội quán, đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất thanh long sạch bền vững. Riêng 44 hộ thành viên của HTX đều có mức sống từ trung bình khá trở lên.

Từ năm 2020, HTX đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long sạch, bền vững, ổn định Công ty xuất nhập khẩu rau quả Cần Thơ. Đến nay, HTX có 10ha thanh long ruột trắng được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và hơn 20ha đang chờ tái chứng nhận VietGAP.

Mô hình sản xuất thanh long theo chuẩn GlobalGAP là mô hình sản xuất an toàn và nông dân chắc chắn có lãi bởi giá bao tiêu luôn ổn định khoảng 30.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và khoảng 18.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng. Với mức giá bao tiêu như thế, bình quân mỗi ha thanh long sau khi trừ chi phí sản xuất cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Cũng theo Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi cho hay: “Trong năm 2023 này, ngoài việc bán thanh long cho Công ty rau quả Cần Thơ, Hợp tác xã sẽ mời gọi thêm một số doanh nghiệp có năng lực đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các thành viên trong Hội quán, sản lượng ước khoảng 400 tấn”.

Ông Trương Minh Trung, Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi cho biết, nhờ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, thanh long được tiêu thụ ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trương Minh Trung, Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi cho biết, nhờ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, thanh long được tiêu thụ ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới

Rõ ràng, từ hoạt động của mô hình Hội quán Cầu Đôi thời gian qua cho thấy, đây là một mô hình kinh tế sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao có sự liên kết chặt chẽ 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình chỉ ở phạm vi còn hạn hẹp.

Thời gian tới, để áp dụng thành công mô hình này, song song với việc phát triển thanh long ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc thiết kế lại đồng ruộng, áp dụng quy trình sản xuất Viet GAP, GlobalGAP, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất cây thanh long, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần vào cuộc để huy động các nhà doanh nghiệp có năng lực cùng tham gia với người nông dân để nhà doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, người nông dân có đầu ra ổn định, như vậy, cây thanh long mới phát triển bền vững.

Theo ông Huỳnh Thái Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long, thời gian qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, cùng với việc thực hiện đề án sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã đến nay diện tích sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao của xã gần 555 ha.

Nhằm hỗ trợ bà con trồng thanh long có thêm nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất, địa phương thành lập hai hội quán là Cầu Đôi và Đồng Tre. Đối với Hội quán Cầu Đôi, hàng tháng thành viên tham gia sinh hoạt một lần vào ngày 17 dương lịch. Còn hội quán Đồng Tre sẽ sinh hoạt vào ngày 21 hàng tháng.

Qua tham gia hội quán, thành viên đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết bền vững. Hiện toàn xã có 38 tổ hợp tác với trên 1.000 thành viên, 2 HTX thanh long (Long Hội và Thanh Huệ) có 47 xã viên. Qua củng cố HTX đã dần đi vào hoạt động có hiệu quả. Riêng, HTX Long Hội có hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu đầu ra.

Giao thông nông thôn thuận tiện cho sản xuất, mua bán của người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Giao thông nông thôn thuận tiện cho sản xuất, mua bán của người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo ông Huỳnh Thái Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long cho biết, mô hình hội quán là một trong những điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, xã An Lục Long đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao theo quyết định 8151/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ mặt NTM thực sự có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp đồng bộ, từng bước hiện đại. Sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn An Lục Long ngày càng cải thiện, nông thôn ngày một đổi mới.

“Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn xã xác định việc giữ vững chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị”, ông Huỳnh Thái Thanh nói.

Huyện Châu Thành, “thủ phủ thanh long”, tỉnh Long An là địa phương luôn đi đầu trong xây dựng NTM. Ngày 14/02/2020, huyện được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục bắt tay xây dựng huyện NTM nâng cao.

Theo phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, đến nay 12 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và thị trấn huyện Châu Thành đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện tại, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Châu Thành đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định công nhận huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Long An. Trong đó phấn đấu xã An Lục Long về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Long An, đến nay tỉnh đã có 4/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, tỉnh Long An phấn đấu toàn tỉnh có 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (hoàn thành nhiệm) vụ xây dựng NTM (chiếm 66,6%), trong đó có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh cũng đặt mục tiêu các công trình hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu của cư dân nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.