| Hotline: 0983.970.780

Liên kết trồng rừng hướng tới nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ Hai 03/10/2016 , 14:30 (GMT+7)

Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An, nằm trên trục đường trung chuyển gỗ nguyên liệu của tuyến QL 48, QL 7, được kỳ vọng tạo ra chuỗi liên kết phát triển bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng rừng. 

Đầu tháng 9/2016, Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. Nhà máy đặt tại KCN Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn), nằm trên trục đường trung chuyển gỗ nguyên liệu của tuyến QL 48, QL 7, được kỳ vọng tạo ra chuỗi liên kết phát triển bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng rừng. 

 

Dự án triệu USD

Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm khởi công xây dựng từ tháng 2/2013, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (gần 250 triệu USD).

Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư 100 triệu USD, xây dựng 2 dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 150 triệu USD, nâng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000 m3/năm và nhà máy ván sợi MDF lên 400.000 m3/năm.

Đây là nhà máy chế biến gỗ ván sợi sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy mô lớn của Việt Nam. Nhà máy đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền Tây Nghệ An nói riêng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Tây Bắc nói chung.

Nhà đầu tư đã lựa chọn những nhà cung cấp hàng đầu thế giới từ Đức với công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất châu Âu. Các sản phẩm của nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, EU và Nhật Bản, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.

Với quy trình khép kín, tự động hóa hoàn toàn từ khâu nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm hoàn thiện đầu ra, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An có ưu thế công nghệ vượt trội so với các doanh nghiệp tương tự trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà máy còn áp dụng và tuân thủ tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ nhất của châu Âu, “xanh” và thân thiện với môi trường khi áp dụng mô hình thiết kế liên hoàn 2 nhà máy nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu đầu vào.

Với lợi thế của mảnh đất Nghệ An nhiều nắng gió, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời sẽ được sử dụng tối đa để vận hành nhà máy.

 

Liên kết bền vững

Bên cạnh việc xây dựng nhà máy chế biến, hiện Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã hoàn tất việc ký hợp đồng với các địa phương, các đối tác cung cấp trên vùng quy hoạch nguyên liệu để thực hiện đồng bộ công tác trồng, bảo vệ và khai thác rừng bền vững.

Cty đang liên doanh liên kết với các nông lâm trường, các hợp tác xã và các hộ cá thể trồng rừng trong địa bàn quy hoạch, chính sách khuyến khích và hỗ trợ trồng rừng do công ty ban hành vừa qua đã được các đơn vị nói trên và bà con trong vùng nguyên liệu đồng tình, phấn khởi đón nhận.

"Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng vườn ươm, sử dụng giống cây nhập ngoại về cung ứng cho người trồng rừng, giám sát, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật theo hướng trả sau và thu mua sản phẩm theo hợp đồng.
Mục tiêu của chúng tôi là nâng năng suất rừng từ 50 - 60 tấn lên 150 - 180 tấn/ha/chu kỳ. Hiện chúng tôi đã làm việc với UBND các huyện, thống nhất phương án, cách làm để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng”, ông Vĩnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Công Vĩnh, Tổng Giám đốc Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, Cty đang thực hiện theo mục tiêu không chỉ đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy, mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững và chuẩn hóa nguồn giống lâm nghiệp cho toàn bộ vùng nguyên liệu gỗ miền tây Nghệ An.

Được biết, để thực hiện dự án này, UBND tỉnh Nghệ An đã quy hoạch vùng nguyên liệu 45.000ha cho Cty.

Trong đó có 11.000ha đất rừng của Cty, số còn lại sẽ được liên kết với các hộ trồng rừng trong tỉnh, tập trung ở 12 huyện.

Mục tiêu của nhà máy là đủ nguyên liệu để hoạt động hết công suất thiết kế.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn là hướng tới một việc phát triển rừng nguyên liệu bền vững, gắn liền với sự phát triển và nâng cao đời sống người trồng rừng.

Ông Nguyễn Công Vĩnh cho biết thêm, qua khảo sát cho thấy, năng suất rừng nguyên liệu ở Nghệ An đang ở mức thấp, hiệu quả kinh tế thấp, rừng phân tán, đời sống người trồng rừng còn nhiều khó khăn.

Mục tiêu của Cty là cải thiện sinh kế người dân thông qua trồng rừng nguyên liệu, lấy khâu giống làm khâu đột phá, coi trọng liên doanh liên kết với người dân.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất