| Hotline: 0983.970.780

Lĩnh vực nông nghiệp được tiếp sức phục hồi sản xuất

Thứ Ba 16/11/2021 , 19:15 (GMT+7)

Khi dịch tạm lắng, việc các DN dồn lực vào khôi phục sản xuất là điều rất tốt. Việc hỗ trợ tối đa cho DN lúc này sẽ giúp họ tăng tốc phát triển.

Covid-19 làm đảo lộn nhiều thứ, trong đó hoạt động SXKD của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Thời gian từ nay đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần không còn nhiều, các hoạt động SXKD đòi hỏi có nguồn lực để các nhà máy, trang trại đi vào hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm cho phục vụ Tết.

Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh thì lĩnh vực nông nghiệp luôn bị tác động lớn, sâu sắc. Chính vì thế, khi dịch lắng xuống, việc các doanh nghiệp và người dân dồn lực vào khôi phục sản xuất là điều rất tốt. Nhà nước và các ngành, trong đó có Bảo hiểm xã hội kịp thời chia sẻ sẽ giúp người lao động và DN vượt qua khó khăn, tăng tốc cho đầu tư sản xuất.

Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Bình cho biết đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ và Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ).

“Trong thời gian này, BHXH Quảng Bình tập trung cao độ, huy động tổng lực triển khai chính sách với phương châm nhanh nhất, hiệu quả nhất và đảm bảo công bằng đến với các đối tượng được hưởng”- ông Tùng nhấn mạnh.

Sau khi BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng cho NLĐ và NSDLĐ từ nguồn Quỹ BHTN, ngành BHXH Quảng Bình đã nhanh chóng thực hiện chính sách hỗ trợ cấp thiết, quan trọng này.

Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: T.P

Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: T.P

Theo đó, trong suốt tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, không quản ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, các cán bộ, viên chức, NLĐ trong toàn ngành, khẩn trương làm việc. “Các phòng, ban bảo đảm chuyển tiếp hồ sơ nhanh nhất có thể nhằm giúp NLĐ sớm thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN”- ông Tùng nói.

Vừa thực hiện chính sách hỗ trợ, vừa triệt để phòng chống dịch Covid-19, tiền hỗ trợ đã đến được tay các đối tượng được hỗ trợ. Tính đến ngày 10/11, toàn ngành BHXH Quảng Bình đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, giảm mức đóng vào Quỹ BHTN do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ 1% xuống bằng 0% trong vòng 12 tháng cho 2.653 doanh nghiệp, với số tiền 21,5 tỷ đồng.

Ngành cũng đã thực hiện giải quyết hỗ trợ cho trên 42.200 lao động (trong đó có gần 2.200 lao động tự do), với số tiền gần 110 tỷ đồng. “Việc hỗ trợ bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ và công bằng đối với NLĐ và NSDLĐ. BHXH tỉnh xác định, công tác thực hiện hỗ trợ đối với NLĐ, NSDLĐ phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả”- ông Tùng nói.

Từ nguồn hỗ trợ này, NLĐ và các doanh nghiệp đã vượt lên được khó khăn do đại dịch. Ông Võ Kim Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Hỗ trợ Phát triển nông thôn (ở thành phố Đồng Hới) phấn khởi cho biết, tất cả NLĐ của đơn vị đã nhận được tiền chi trả hỗ trợ từ Quỹ BHTN.

Kể cả ngày nghỉ, cán bộ nghành Bảo hiểm xã hội Quảng Bình vẫn tăng cường làm việc để nhanh chóng thực hiện hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: T.P

Kể cả ngày nghỉ, cán bộ nghành Bảo hiểm xã hội Quảng Bình vẫn tăng cường làm việc để nhanh chóng thực hiện hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: T.P

“Đơn vị chúng tôi và tất cả NLĐ ai cũng phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này. Người lao động có được tiền hỗ trợ góp phần ổn định đời sống cũng là ổn định việc sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh họat động, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông thôn”- ông Tiến chia sẻ.

Nhiều công nhân lao động đã nhận được tiền hỗ trợ và rất vui mừng. Chị Phan Thị Thủy, công nhân Công ty chế biến gỗ ở thành phố Đồng Hới cho biết, chị tiếp cận chính sách này thông qua phương tiện thông tin đại chúng và từ cán bộ chuyên quản của cơ quan BHXH tỉnh.

Với thời gian tham gia BHTN 11 năm 3 tháng, chị Thủy được nhận mức hỗ trợ 3,3 triệu đồng. Chồng chị Thủy làm nghề thợ xây phải nghỉ việc trong những ngày giãn cách xã hội nên khoản tiền này đến kịp thời đã giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn.

Tại Công ty CP giống nông lâm nghiệp Công nghệ cao, người lao động đều đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN vào tài khoản cá nhân. Ông Hoàng Trọng Sinh, lao động của công ty bày tỏ: “Chúng tôi rất vui, phấn khởi vì đã nhận được sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước. Số tiền hỗ trợ kịp thời động viên, khích lệ NLĐ như chúng tôi vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Là doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, Công ty CP Quảng Phát (trụ sở tại thành phố Đồng Hới) cũng lâm vào khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Hoạt động của đơn vị chỉ duy trì ở việc bảo trì dây chuyền, thiết bị.

Nhờ chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kịp thời nên việc tái sản xuất đã được nhanh chóng. Ảnh: T.P

Nhờ chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kịp thời nên việc tái sản xuất đã được nhanh chóng. Ảnh: T.P

“Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là việc vận chuyển hàng hóa, tiền thuê bến bãi tăng cao và nhà máy phải hoạt động cầm chừng”- ông Ngô Xuân Vỵ, Tổng Giám đốc Công ty cho hay.

Sau khi người lao động nhận được tiền hỗ trợ và nhà máy có được sự hỗ trợ từ phía nhà nước nên đã tái khởi động để đi vào hoạt động đúng công suất. Việc trước tiên là nhà máy tuyển dụng lao động tăng thêm để đi vào sản xuất.

Theo kế hoạch sản xuất, từ nay đến cuối năm, hàng tháng Công ty sẽ xuất khẩu ván dán công nghiệp khoảng 1.500m3. “Chúng tôi đang cố gắng ổn định nhân lực lao động để nâng lượng hàng xuất khẩu lên 3.000 m3/tháng. Nguyên liệu đầu vào sẽ tiêu thụ cho người trồng rừng khoảng 4.000 m3 gỗ keo tràm. Qua đó, kích thích việc trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn”- ông Vỵ cho biết thêm.

Xem thêm
Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế làm Bí thư Thị ủy Hương Trà

Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thị ủy Hương Trà.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.