| Hotline: 0983.970.780

Lộ diện đường dây công chứng sổ đỏ giả ở Kon Tum

Thứ Hai 20/03/2023 , 08:59 (GMT+7)

Nữ thợ may đặt mua 4 sổ đỏ giả đất thổ cư và đất nông nghiệp rồi "nhờ" công chứng với giá 20 triệu đồng mỗi lần và mang đi lừa...

Khi mất khả năng trả gốc và lãi, chủ nợ dọa dẫm, siết nợ và ép phải tìm mọi cách “xoay” tiền. Bị dồn đến đường cùng, vì không muốn tiếp tục bị người khác đứng sau giật giây, Phạm Thị Luyên (sinh năm 1989, trú tại số 186 đường Trường Chinh, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) buộc phải... viết đơn tự thú, tố giác các đồng phạm và chấp nhận ngồi tù.

z4193871355486_8b667d1070f1c8526d1706dfcd611f84

Phạm Thị Luyên trong quá trình trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: MP.

Câu chuyện về hành trình lừa đảo của Phạm Thị Luyên đang xôn xao dư luận, bởi có sự liên quan và tiếp tay của cán bộ Sở Tư pháp nhận tiền 20 triệu đồng “cảm ơn” sau mỗi lần công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả.

Hơn 2 tháng kể từ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum thụ lý đơn tự thú và tố giác tội phạm của Phạm Thị Luyên để kiểm tra, xác minh, dù đã có kết quả giám định cả 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến vụ việc đều là giả; người bị hại cũng đã làm đơn tố cáo, nhưng vụ án vẫn chưa được khởi tố để điều tra.

Chi hàng chục triệu mua 4 sổ đỏ giả rồi thế chấp vay tín dụng đen

Trong đơn xin tự thú và tố giác đồng phạm và tố giác tội phạm gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum ngày 9/1/2023, Phạm Thị Luyên cho biết, khi lâm vào hoàn cảnh túng thiếu quẫn bách vì nghèo khổ của một người mẹ đơn thân một mình phải chăm nuôi 2 con nhỏ, chị lên mạng tìm và đặt mua được 4 bìa đỏ giả nhằm mục đích đem thế chấp cho người khác để vay tiền.

Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, Luyên đã vay 4 lần được tổng số tiền 1.050.000.000 đồng của 2 người hùn chung vốn là bà Trương Thị Tình (số 222 đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và người phụ nữ tên Hoà ở thành phố Kon Tum.

Các tài liệu và sao kê tài khoản chị Luyên cung cấp cho chúng tôi thể hiện, có khoản vay 300 triệu đồng, tiền lãi phải trả trong 40 ngày là 30 triệu đồng (khoảng 7,5%/tháng tương đương 90%/năm).

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Luyên cho biết: “Mỗi lần vay tiền của bà Tình, tôi đều thế chấp 1 bìa đỏ giả. Đến tháng 12/2022, bà Tình phát hiện được cả 4 bìa đỏ tôi đã thế chấp cho bà đều là giả nhưng không khiếu nại hoặc tố cáo tôi ra trước pháp luật. Trái lại, bà Tình còn dùng thủ đoạn đe dọa, ép buộc tôi làm các thủ tục công chứng các sổ đỏ trước đó đã đưa cho Tình để vay tiền từ người khác đưa cho vợ chồng bà để trừ nợ”.

Khi Luyên nói không quen biết ai có tiền cho vay, Tình đã gửi cho Luyên số điện thoại để liên hệ vay tiền. “Trong tình thế đó tôi đành miễn cưỡng đồng ý”, Luyên nói.

Khi phóng viên hỏi bà Tình biết những bìa đỏ Luyên cầm cố để vay tiền là giả từ thời điểm nào? Luyên trả lời: Khoảng 10h ngày 1/12/2022, tôi và chị Tình đến Phòng Công chứng số 1 tỉnh Kon tum để công chứng thì họ phát hiện ra bìa đỏ giả, tôi bỏ về nhà; còn chị Tình ở lại Phòng Công chứng làm việc. Kết quả, Phòng Công chứng không lập biên bản sự việc.

Về nội dung này, bà Tình cho biết: Thời điểm công chứng sổ đỏ ngày 1/12, công chứng viên Phòng Công chứng số 1 phát hiện những dấu đỏ (của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Kon Tum) ở trang “bổ sung giấy chứng nhận” với nội dung đăng ký thế chấp và xoá thế chấp đều mới như nhau dù được đóng ở các thời điểm khác nhau. Trước đó, Luyên cũng công chứng sổ đỏ này để thế chấp vay vốn Sacombank. Họ nghi ngờ đó là bìa đỏ giả và từ chối công chứng.

Chủ nợ giúp con nợ công chứng Hợp đồng ủy quyền sổ đỏ giả?

Trong Đơn tự thú và tố giác tội phạm, bà Luyên viết, vào chiều 2/12/2022, “vợ chồng bà Tình, bà Hòa cùng 3 người đàn ông do bà Tình thuê đến cùng nhau cưỡng đoạt tài sản của tôi chất đầy 2 xe ô tô tải chở về nhà bà Tình và nhà bà Hoà cất giấu. Những tài sản vợ chồng bà Tình và bà Hoà cưỡng đoạt gồm có: 1 máy giặt trị giá 11 triệu đồng; 1 tủ lạnh trị giá 7 triệu đồng, 1 máy dập rèm trị giá 35 triệu đồng, 1 bộ bàn ghế gỗ trị giá 11 triệu đồng, 20 tượng đồng trị giá 40 triệu đồng, 1 máy may trị giá 5 triệu đồng...”. Ước tính tổng giá trị tài sản mà vợ chồng bà Tình đã “cưỡng đoạt” khoảng 165,5 triệu đồng.

Cũng trong chiều ngày 2/12, sau khi chở đồ khỏi nhà Luyên, Tình giới thiệu để Luyên ra Phòng Công chứng số 2 để ký hợp đồng uỷ quyền cho ông Đinh Văn Tú (thường trú tại thôn Liêm Hoá, xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) để vay 500 triệu đồng trả nợ. Tài sản ủy quyền là Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số phát hành CM 372065 diện tích 194m2 tại đường Trường Chinh, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, trong đó có 140m2 đất ở và 54m2 đất trồng cây hàng năm được Luyên đặt làm giả trước đó và thế chấp vay tiền cho Trương Thị Tình.

z4194187221823_8be38338f8385ca2d292511049c1b02b

 Một sổ đỏ giả Phạm Thị Luyên đặt mua trên mạng rồi sử dụng để cầm cố vay tiền. Ảnh: MP.

Công chứng xong Hợp đồng uỷ quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, ông Tú chuyển khoản cho Luyên 420 triệu đồng. Ngay lập tức, Luyên chuyển trả nợ cho Trương Thị Tình 400 triệu đồng, 20 triệu đồng còn lại chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Huỳnh Thị Mai Xuân – Phó trưởng phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum để “cảm ơn”.

Nhận được tiền trả nợ, bà Tình gọi Luyên và trả lại một số tài sản Tình cưỡng đoạt buổi sáng. Luyên đã thuê xe của người lái xe tải (xe bà Tình thuê buổi sáng) đến nhà bà Hoà ở đường Wừu, thành phố Kon Tum chở những tài sản bà Tình trả lại, gồm: 1 máy giặt, 1 tủ lạnh, 1 máy dập rèm, 1 máy may.

“Toàn bộ tài sản còn lại (trị giá 96 triệu đồng) hiện tại vợ chồng bà Tình và bà Hoà vẫn chiếm đoạt, không trả lại cho tôi và cũng không tính trừ vào khoản tiền vay nợ của tôi”, bà Luyên nói.

Tiếp đến, Tình tiếp tục hỗ trợ kết nối với Huỳnh Thị Mai Xuân – công chứng viên Văn phòng Công chứng số 2 để tạo thuận lợi cho Luyên thực hiện các Hợp đồng uỷ quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả số CL946202 cho bà Bùi Thị Kim Ngân (thường trú tại thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) vay 200 triệu đồng ngày 16/12/2022 và bà Chu Minh Diệu (số 33 Đỗ Xuân Hợp, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) để vay 300 triệu đồng.

Luyên cho biết, những lần Luyên ra Văn phòng Công chứng để ký hợp đồng uỷ quyền các sổ đỏ giả kể trên, Tình đều biết. Thực tế, ngày 6/12 Tình nhắn tin cho Luyên qua zalo với nội dung: “Đáng lẽ không ai biết chị làm bìa giả ngoài tôi và phòng cc (phòng công chứng số 1) kia. Nhưng chị tự diết (giết) chị.

Trong đơn tự thú và tố giác đồng phạm, tố giác tội phạm, Phạm Thị Luyên tố bà Trương Thị Tình cùng chồng là Trương Văn Hậu và người phụ nữ tên Hoà có hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Đồng thời, ngoài thừa nhận hành vi đặt mua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trên mạng rồi sử dụng vào việc thế chấp vay tiền, Phạm Thị Luyên cũng tự thú về hành vi “đưa hối lộ” đối với bà Huỳnh Thị Mai Xuân – Công chứng viên phòng Công chứng số 2 tỉnh Kon Tum (địa chỉ tại 179C Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum).

Liên quan đến nội dung bà Luyên tố cáo, bà Trương Thị Tình thừa nhận với Báo NNVN rằng “có ép Luyên trả nợ” và “có thuê xe đến chở đồ của Luyên về” nhưng không phải là cưỡng ép tài sản mà do Luyên đề nghị Tình lấy đồ trừ nợ. Đồng thời, phủ nhận việc biết (hoặc đưa) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để Luyên công chứng hợp đồng uỷ quyền vay tiền với những người khác.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.