| Hotline: 0983.970.780

Lo thiếu thịt lợn

Thứ Tư 06/11/2019 , 14:22 (GMT+7)

Đàn lợn giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF), đang khiến cho giá lợn hơi ở Đông Nam bộ tiếp tục tăng mạnh, và hiện đã trên 60.000 đồng/kg.

16-40-41_thieu_thit_heo
Một trại chăn nuôi kín, đảm bảo ATSH của C.P Việt Nam.

Nguy cơ thiếu thịt lợn trong những tháng cuối năm nay có thể xảy ra nếu không tái đàn kịp thời.

Thống Nhất (Đồng Nai) từng là huyện có đàn lợn lớn nhất nước, với tổng đàn đạt trên 320 ngàn con. Nhưng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn ở huyện này giảm mạnh, hiện chỉ còn gần 160 ngàn con.

Đàn lợn đã giảm rất mạnh nhưng việc tái đàn ở Thống Nhất đang khá hạn chế. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thống Nhất, cho biết, việc tái đàn vào lúc này là rất khó, do trên địa bàn huyện vẫn đang có dịch. Đối với những hộ có chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn, đảm bảo an toàn sinh học (ATSH) mới cho tái đàn. Còn những hộ mà hạ tầng chăn nuôi không đảm bảo, ATSH kém, thì huyện kiên quyết không cho tái đàn.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, dù tổng đàn lợn ở Đồng Nai đã giảm rất nhiều do ảnh hưởng của ASF (giảm hơn 1 triệu con so với trước khi có dịch), nhưng tỉnh đang rất thận trọng trong việc tái đàn. Chẳng hạn, kiên quyết không tăng đàn, tái đàn ở vùng đang có dịch, không tái đàn ở những hộ chăn nuôi, trang trại không đảm bảo ATSH...

Trong khi đàn lợn giảm mạnh, tái đàn đang rất hạn chế, thì việc bán lợn chạy dịch vẫn đang xảy ra. Ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), trong những ngày qua, lượng lợn còn nhỏ (30 - 60 kg/con) về khá nhiều, lên tới hàng trăm con, thậm chí hơn 1.000 con/ngày. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thịt lợn trong vài tháng tới.

Chính vì vậy, tái đàn lợn một cách an toàn đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là ở thủ phủ chăn nuôi lợn Đồng Nai. Tại buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã yêu cầu các doanh nghiệp phải nỗ lực tái đàn để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cuối năm.

Đáp lại, một doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp xây trại chăn nuôi lợn mới ở những khu vực đủ điều kiện ATSH để góp phần đẩy mạnh tái đàn lợn, bù đắp vào lượng lợn giảm do chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại bởi ASF.

Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, để tái đàn hiệu quả, trước hết phải có thống kê thật chính xác về số lượng lợn hiện tại, từ đó đặt ra mục tiêu tái đàn ở mức độ bao nhiêu là phù hợp. Quan trọng nhất là tái đàn phải làm sao giữ được đàn lợn, không để xảy ra thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Công, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đủ điều kiện tái đàn và muốn tái đàn, nên có sự hợp tác với nhau thành những tổ, nhóm để chia sẻ, hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, giảm chi phí thức ăn do mua chung với khối lượng lớn, thông tin về những chính sách, hướng dẫn của cơ quan chức năng… Đặc biệt là cùng nhau tìm kiếm, chia sẻ thông tin về thị trường, để làm sao đưa ra được những sản phẩm tốt và số lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Sản lượng thịt lợn thế giới tiếp tục giảm

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2020, dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm tiếp 10% so với năm 2019, xuống còn 95,22 triệu tấn do ASF ảnh hưởng tới số lợn nuôi ở nhiều nước sản xuất chủ chốt.

Cụ thể: Dự báo sản lượng ở Trung Quốc sẽ giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%...

Trong khi đó, tại các quốc gia khác, sản xuất thịt lợn được dự báo sẽ tiếp tục tăng, như Mỹ tăng khoảng 4% và Brazil tăng 5%. Sản lượng thịt lợn của EU trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng 1% so với năm 2019, nhờ tăng cường xuất khẩu.

Hầu hết các nước sản xuất thịt lợn lớn sẽ thúc đẩy sản xuất trong năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng. Tuy nhiên, do sản lượng giảm quá mạnh ở Trung Quốc (nước có đàn lợn lớn nhất thế giới), nên tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu vẫn sẽ giảm.

Cũng theo USDA, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2020 dự báo tăng 10% lên 10,4 triệu tấn.

Trong đó, EU vẫn là khu vực xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới và sẽ tăng 13%, Brazil tăng 20% so với năm 2019, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực châu Á. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 34,6% và chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu trên toàn cầu.

Philippines sẽ tăng 32% nhập khẩu do nguồn cung trong nước giảm mạnh vì dịch bệnh. Nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam dự báo cũng tăng 12% do tác động của ASF...

Theo USDA, năm 2020, Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, với 38,15 triệu tấn, giảm 22,1% so với năm 2019. Nhập khẩu năm 2020 của Trung Quốc dự báo đạt khoảng 3,5 triệu tấn, tăng 34,6% so với năm 2019 do tác động từ sự suy giảm đàn lợn nội địa do ASF gây ra.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.