Xử lý nguồn nước trước khi sử dụng
Chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Yagi), từ đêm ngày 7-10/9/2024 trên địa bàn nhiều xã, thị trấn của huyện Bát Xát (Lào Cai) có mưa to và rất to, gây thiệt hại về người và tài sản. Tại các thôn bản xuất hiện nhiều điểm sạt lở phá hủy công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, giao thông...
Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bát Xát cho hay, bão số 3 ảnh hưởng rất lớn đến huyện Bát Xát, trong 116 công trình nước, thì 43 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng, mất nước đầu nguồn, hỏng bể lọc, đập thu nước; có công trình bị phá hủy hoàn toàn, không thể khôi phục.
Chính quyền địa phương hiện đang rà soát, thống kê các hạng mục công trình bị hư hỏng song giao thông chia cắt, nhiều nơi chưa thể tiếp cận. Hiện nay, huyện Bát Xát đã thành lập 3 tổ công tác đến các địa điểm đánh giá mức độ thiệt hại và đưa ra giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, một số công trình nước sinh hoạt cần khắc phục ngay do phục vụ hàng trăm hộ dân đặc biệt khó khăn nguòn nước tại xã Bản Vược, xã Mường Hum... Số công trình nước sinh hoạt khác bị vùi lấp do sạt lở, hư hỏng hoàn toàn buộc phải đầu tư xây dựng mới.
Ở thôn bản vùng sâu, vùng xa người dân dùng bể chứa, dẫn nước từ khe, nguồn nước cũ đã xử lý thì có thể sử dụng tạm thời. Các công trình hư hỏng nhẹ, người dân có thể tự khắc phục nếu mạch nước còn tốt (đắp tạm thời và lắp lại đường ống dẫn nước về thôn). Các hư hỏng đòi hỏi nguồn vốn, có thể nhờ sự trợ giúp xã hội hóa, các nhà hảo tâm... hỗ trợ đường ống, vật tư xây dựng, xe vận chuyển thiết bị.
Trước mắt, huyện đã huy động lực lượng y tế dự phòng phun tiêu độc khử trùng, hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước, tránh lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe con người. Song mối quan tâm lâu dài là sinh kế của người dân, cũng như nước sinh hoạt để ổn định cuộc sống là rất cần thiết. Khi đánh giá được mức thiệt hại cụ thể thì sẽ đề xuất phương án khôi phục các công trình này, ông Lý Khánh Lâm thông tin.
Chia sẻ các nguồn nước để sử dụng
Ông Phạm Văn Đức ở thôn Mường Đơ, xã Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai) mở vòi nước nhưng không có lấy một giọt. Khi mưa bão xảy ra, nước vào bể đục ngầu màu vàng đất, sau đó thì không chảy nữa. Tổ duy tu bảo dưỡng của thôn đã lên đập đầu nguồn sửa chữa, nạo vét bùn đất nhưng nước chảy tí tách rồi tịt hẳn.
"Chúng tôi hiện đang hứng nước mưa để ăn vì mấy hôm bão, hệ thống nước sạch hư hỏng hết. Một số đoạn đã được khắc phục tạm nhưng lâu dài vẫn phải sửa chữa, nước còn lôi thôi lắm, mưa xuống mới có nước ăn", ông Phạm Văn Đức nói.
Sinh hoạt của 70 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu ở thôn Mường Đơ đều phụ thuộc nguồn nước từ công trình nước sinh hoạt. Mỗi năm, người dân góp khoảng 9 triệu đồng để duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, công trình được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, cộng mưa lũ nên không còn khả năng cung cấp nước.
Ông Chảo Chằn Chòi, Trưởng thôn Mường Đơ cho hay, hệ thống nước sinh hoạt của thôn được đầu tư từ hơn chục năm trước, nay xuống cấp nghiêm trọng nhất là những đoạn ống kẽm lâu ngày bị han gỉ, dễ mọt đứt. Cách đây ít năm, công trình được đầu tư khoảng 180 triệu đồng để thay 2km đường ống. Song cơn bão số 3 ập đến, hệ thống nước đã hư hại vì sạt lở và được khắc phục tạm thời nhưng ngay cả đập đầu mối cũng không đảm bảo.
Tại trung tâm xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai), sau nhiều ngày mất nước đến nay người dân đã có nước sinh hoạt trở lại. Song các thôn vùng cao, công trình nước sinh hoạt hầu hết đều hư hỏng.
Đập đầu mối công trình nước sạch thôn Piềng Láo bị lũ cuốn, sạt lở; ống dẫn nước đứt gãy, chưa thể khắc phục. Công trình nước sạch này phục vụ khoảng 60 hộ dân với trên 200 nhân khẩu. Nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày của người dân rất lớn. Song, trước mắt, cách khắc phục là chia sẻ nguồn nước giếng, nước mạch... cho đến lúc công trình được sửa chữa xong.
"Qua xử lý nguồn nước cơ bản, các nguồn nước này có thể sử dụng tạm thời trong khi chờ sửa chữa công trình nước sinh hoạt", ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) thông tin.
Hỗ trợ người dân vùng lũ bồn chứa nước
Sau khi mưa lũ đi qua, việc khôi phục công trình giao thông, nhà cửa, điện, đặc biệt nước sinh hoạt của người dân là hết sức cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Do vậy, Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã chuyển 1.000 bồn chứa nước tới 5 xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai gồm: xã Quang Kim, xã Mường Vi của huyện Bát Xát; xã Thải Giàng Phố, xã Bản Liền và xã Hoàng Thu Phố của huyện Bắc Hà.
Mỗi xã được cấp 200 bồn chứa nước dung tích 1.000 lít, 200 bình lọc nước bằng gốm, 200 bình nước uống trực tiếp loại 20 lít, 20 hộp Aquatab, 200 bánh xà phòng và 200 chai nước rửa tay khô.
Các hộ dân được lựa chọn cấp phát bồn chứa nước và các vật dụng vệ sinh thuộc diện không có nguồn nước sạch để sử dụng cho sinh hoạt, đặc biệt là nước ăn, uống; ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có phụ nữ làm chủ, hộ có trẻ em khuyết tật…
Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho hay, việc hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân vùng lũ là hết sức thiết thực bởi hoàn lưu bão số 3 gây ngập úng diện rộng trên địa bàn xã. Tại trung tâm xã có nơi ngập 1,5 - 2m. Trước đó, nắm bắt kịp thời thông tin, diễn biến phức tạp bão số 3, xã huy động người dân di dời tài sản, người đến nơi an toàn đặc biệt là trang thiết bị, sách vở, dụng cụ dạy và học của Trường Tiểu học Quang Kim được di chuyển lên tầng 2, nên sau khi nước rút, việc học của các em không bị xáo trộn...
Về đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, trước mắt, tỉnh Lào Cai hỗ trợ kịp thời hóa chất khử khuẩn (phèn chua, Aquatabs 67mg); máy lọc nước nhanh (bình gốm); dụng cụ trữ nước cho các hộ gia đình trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; sửa chữa khắc phục ngay các hạng mục công trình hư hỏng để cấp nước một phần từ công trình cấp nước tập trung; có phương án chở nước sinh hoạt cấp cho các vùng, khu dân cư hiện bị cô lập, không có nguồn nước tại chỗ.
Về lâu dài, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, mở 75 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng bởi thiên tai theo phương án cấp nước an toàn...
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, 184 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ. Công trình cấp nước tại các địa phương khi xảy ra thiên tai bị dừng hoạt động; nguồn nước dùng sinh hoạt của nhân dân bị gián đoạn, ô nhiễm và thiếu trên diện rộng.