| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát dịch bệnh trên cá nước lạnh không khó với người dân vùng cao

Thứ Tư 06/11/2024 , 11:03 (GMT+7)

LAI CHÂU Việc phòng chống dịch bệnh cho cá nước lạnh giúp giảm rủi ro, duy trì sản lượng cá thương phẩm, từ đó, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi cá.

Sản xuất cá nước lạnh hiệu quả giúp người dân Lai Châu có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương. Ảnh: H.Đ.

Sản xuất cá nước lạnh hiệu quả giúp người dân Lai Châu có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương. Ảnh: H.Đ.

Phòng chống dịch bệnh để tăng hiệu quả

Với những dãy núi cao, không khí mát mẻ, nguồn nước sạch dồi dào mang lại những lợi thế lớn cho bà con Lai Châu phát triển sản xuất cá nước lạnh.

Ông Sùng A Phông ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ từ năm 2020 đã mạnh dạn vay vốn để nuôi cá nước lạnh, bước đầu cho thấy hiệu quả. Từ việc bán cá tầm thương phẩm, mỗi năm đã mang lại khoản thu nhập gần 400 triệu đồng.

"Ở đây có nhiều nguồn nước chảy từ thác trên núi nên tôi nghĩ sẽ phù hợp với nuôi cá tầm. Trong khi, Sin Suối Hồ là điểm du lịch vì vậy sẽ không lo đầu ra cho con cá mình nuôi. Tuy nhiên, để con cá ít dịch bệnh phải quan tâm nguồn nước và vấn đề phòng bệnh", ông Sùng A Phong chia sẻ.

Theo ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phong Thổ, khi quy mô sản xuất của người dân ngày càng gia tăng thì rất cần lưu ý tới việc phòng, điều trị bệnh cho cá nước lạnh. Trong đó, người nuôi tăng cường theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, báo ngay cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương khi cá bị bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khử trùng nước tại các bể nuôi khi có dịch bệnh và định kỳ bằng các loại hóa chất được phép lưu hành trên thị trường với liều lượng của nhà sản xuất để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường nước và tránh làm lây lan dịch bệnh ra các khu vực xung quanh. Không xả nước thải, chất thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường.

Chú ý sử dụng đúng chủng loại kháng sinh, đảm bảo đúng liều lượng, đúng cách và thời gian theo quy định để tránh hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Bổ sung Vitamin C, vitamin tổng hợp vào thức ăn với liều lượng 2-3g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục 5-7 ngày để tăng cường sức đề kháng, hạn chế ảnh hưởng của vi khuẩn gây bệnh...

Tuy nhiên, sản xuất cá nước lạnh đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật chăm sóc nên chưa có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, chính quyền địa phương tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân quy trình, kỹ thuật chăm sóc để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn.

Các hộ nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu bắt đầu quan tâm đầu tư xây bể và phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Ảnh: H.Đ.

Các hộ nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu bắt đầu quan tâm đầu tư xây bể và phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Ảnh: H.Đ.

Đảm bảo quy hoạch để phát triển bền vững

Từ hiệu quả sản xuất cá nước lạnh, nhiều địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã đẩy mạnh phát triển ngành hàng này. Qua đó, cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá hơn.

Tam Đường, một trong những huyện đi đầu trong sản xuất cá nước lạnh của tỉnh Lai Châu. Cá nước lạnh được người dân sản xuất với quy mô lớn tại các xã Sơn Bình, Hồ Thầu, Khun Há…

Hiện trên toàn huyện có 366 bể nuôi với thể tích gần 33.000m3, sản lượng cá xuất bán ra thị trường mỗi năm hơn 300 tấn. Có nhiều hộ nuôi, cơ sở đã tự làm con giống để chủ động sản xuất và ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm khi mua con giống từ bên ngoài về.

Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường nơi có nhiều con suối chảy qua địa bàn và nguồn nước lạnh phù hợp với điều kiện nuôi cá tầm, cá hồi. Qua đánh giá, cá nước lạnh sinh trưởng, phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi...

UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Tam Đường, trong đó xã Sơn Bình của huyện này được quy hoạch khoảng 18ha nuôi cá nước lạnh.

"Hiện nay, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền người nuôi cá đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tuyên truyền nhân dân tuân thủ quy trình nuôi, chăm sóc để phòng chống các dịch bệnh nhất là mùa khô do thiếu nước", ông Phạm Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay.

Lai Châu là một trong số ít các tỉnh Tây Bắc có nhiều tiềm năng nuôi cá nước lạnh với những nguồn nước sạch, nhiệt độ thấp ở các suối: Nậm De, Nậm Tàng, Nậm Mở, Nà Đa, Thèn Thảo Hồ, Huổi Hồ... Do đó, Lai Châu phù hợp với sản xuất cá nước lạnh quy mô hàng hóa. 

Theo Sở NN-PTNTT Lai Châu, khó khăn hiện nay của tỉnh để phát triển nghề nuôi nước lạnh là cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới… chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được vùng nuôi; chi phí ban đầu đầu tư lớn, chất lượng con giống chưa ổn định, việc cấp mã vùng nuôi trồng chưa được người dân quan tâm...

Để tháo gỡ các khó khăn trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Theo đó, đề xuất xây dựng đường dây 35kV, trạm biến áp, đường giao thông đến một số điểm tiềm năng nuôi cá nước lạnh của tỉnh, xây dựng trạm kiểm dịch, triển khai đăng ký mã số nuôi trồng, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở nuôi giống cá nước lạnh…

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.