| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 16/06/2022 , 19:17 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:17 - 16/06/2022

Lợi ích của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa lấy ý kiến ở kỳ họp thứ 3 và sẽ biểu quyết thông qua ở kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 15.

Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa đưa ra lấy ý kiến ở kỳ họp thứ 3 và sẽ biểu quyết thông qua ở kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 15. Đây là dự luật rất được quần chúng quan tâm, vì lần đầu tiên việc thực hiện dân chủ cơ sở được hệ thống hóa thành những điều khoản cụ thể, đáp ứng đúng tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 13 khởi xướng.

Thực ra, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được chú trọng từ Chỉ thị 30/1998 của Bộ Chính trị cách đây 24 năm, nhưng mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương 49 điều, nhấn mạnh nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như quyền khiếu nại tố cáo các hành vi vi phạm dân chủ cơ sở của tổ chức và cá nhân.

Tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đã bày tỏ sự cần thiết của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Lý do, nếu công khai cho dân biết những hoạt động đấu thầu và quy hoạch, thì chắc chắn sẽ có thể ngăn chặn để không xảy ra những đại án nghiêm trọng. Nghĩa là, thực hiện dân chủ ở cơ sở có tác dụng kiểm soát quyền lực và đẩy lùi tham nhũng.

Thực hiện dân chủ cơ sở ở khu dân cư không quá khó, thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp cũng không quá khó. Thế nhưng, thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan Nhà nước vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Vì sao như vậy? Vì ở khu dân cư chỉ phân biệt người giàu và người nghèo, ở doanh nghiệp chỉ phân biệt người làm chủ và người làm thuê. Còn ở cơ quan Nhà nước thì đan chéo nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa có “lương” vừa có “bổng”, vừa có kẻ cầu an giữ mình vừa có kẻ toan tính trèo cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày từ giai đoạn đất nước vừa giành được độc lập, đã yêu cầu thực hiện dân chủ cơ sở trong đội ngũ cán bộ. Không chỉ nhấn mạnh “dân làm chủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn những người được ủy nhiệm chức vụ phải nghiêm túc “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Chính tâm lý e ngại và nể nang đã khiến việc thực hiện dân chủ cơ sở ở các cơ quan Nhà nước vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Khoảng cách giữa cấp dưới và cấp trên khiến cấp dưới không bao giờ dám nói khác hoặc nói trái cấp trên, thậm chí cấp dưới đoán ý cấp trên để nói những câu vuốt ve sáo rỗng mà không màng đến lợi ích chung. Do đó, tình trạng thường thấy khi nhắc đến việc thực hiện dân chủ cơ sở là “ngoài quán xá bàn chuyện cơ quan, trong cơ quan bàn chuyện quán xá”.

Có một điều dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa làm rõ là quyền đề xuất của công dân. Nếu công dân chỉ nghe và chỉ bàn những vấn đề trong phạm vi được chuẩn bị sẵn, thì không thể nào phát huy tối đa trí tuệ quần chúng để xây dựng và phát triển đất nước.

LTN