| Hotline: 0983.970.780

Lối thoát nào cho huyện nghèo Kỳ Sơn?

Thứ Bảy 30/11/2024 , 15:42 (GMT+7)

Tầng tầng lớp lớp rào cản khiến huyện nghèo Kỳ Sơn chưa thể bứt phá, muốn rút ngắn khoảng cách với mặt bằng chung đòi hỏi những giải pháp mang tính bước ngoặt.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dành sự quan tâm đặc biệt cho dải đất khó, luôn mong mỏi Kỳ Sơn sẽ vươn mình đi lên. Ảnh: VK.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dành sự quan tâm đặc biệt cho dải đất khó, luôn mong mỏi Kỳ Sơn sẽ vươn mình đi lên. Ảnh: VK.

Âm chỉ tiêu nông thôn mới

Tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ”, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ một thông tin rất đáng chú ý, rằng quá trình phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa một số nơi, đặc biệt là khu vực miền núi cao.

Xét diễn biến của Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An trong những năm qua, thấy rằng quan điểm trên rất sát thực tế. Dù nhận được nhiều quan tâm của Trung ương, của tỉnh nhà, đặc biệt là được thụ hưởng cùng lúc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng huyện này vẫn chưa bứt lên được. Trong đó, quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới còn bộn bề gian nan.

Chăn nuôi hay trồng trọt, loại hình nào cũng bất ổn do thị trường chuyển dịch liên hồi. Ảnh: Việt Khánh. 

Chăn nuôi hay trồng trọt, loại hình nào cũng bất ổn do thị trường chuyển dịch liên hồi. Ảnh: Việt Khánh. 

Năm 2024 sắp qua nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã Hữu Lập đang ở mức quá bán, nhịp sống nông thôn mới chuyển dịch rất chậm, khó nhọc hơn cả là 2 bản Noọng Ó và Chà Lắn, nơi đồng bào Thái và Khơ Mú chiếm số đông. Vùng nay lắm núi nhiều sông kéo theo quỹ đất ở, đất sản xuất hạn hẹp quá mức, đồng bào muốn triển khai mô hình để thoát nghèo cũng khó, việc quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ để phục vụ nhu cầu đi lại, đẩy mạnh giao thương cũng không mấy khả thi.  

Ông Lương Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập khẳng định 2 năm gần đây trên địa bàn có một số ít trường hợp xuất khẩu lao động, còn lại đa phần đi làm thuê khắp ngoài Bắc trong Nam nhưng đồng lương không cao, công việc cơ bản theo thời vụ thành thử bấp bênh muôn phần.  

Thật sự quan ngại khi biết tại xã Hữu Lập có hàng loạt gia đình vay vốn ngân hàng làm ăn nhưng thất bại toàn tập, nhiều trường hợp không đủ khả năng trả lãi chứ chưa nói gì đến phần nợ gốc. Có những hộ vay độ chục năm rồi, nay lãi mẹ đẻ lãi con khiến công nợ phình to gấp nhiều lần. Điển hình như vợ chồng anh Lương Văn S., chị  Lương Thị Th., hay như ông Vi Văn Th. Thiết nghĩ đến cái ăn cái mặc thường nhật còn nặng gánh lo toan thì việc góp sức, chung tay xây dựng nông thôn mới là điều xa xỉ.

“Toàn xã có 6 thôn, bản nhưng chưa có đơn vị nào hoàn thành nông thôn mới, trước đây bản Na đạt 10 tiêu chí rồi nhưng qua 2 năm bị thiên tai, lũ lụt tàn phá liên hồi đã rớt mất tiêu chí thủy lợi, nay chỉ còn 9 thôi”, Chủ tịch Lương Văn Lon ưu tư.

Như nhiều địa phương khác của huyện Kỳ Sơn, xã Hữu Lập đang 'oằn mình' tải tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Linh.

Như nhiều địa phương khác của huyện Kỳ Sơn, xã Hữu Lập đang "oằn mình" tải tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thừa nhận huyện nhà đối diện nhiều áp lực trong xây dựng nông thôn mới, khó nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, nhìn rộng ra chỉ tiêu nông thôn mới đang… âm số liệu.

Theo ông Rê, Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên rộng tốp đầu tỉnh Nghệ An nhưng đa phần thuộc quản lý của rừng phòng hộ, điều này kéo theo hàng loạt vấn đề bí bách. Đồng bào chủ yếu sống dựa vào tự nhiên, số đông vẫn bám nương rẫy và chăn thả gia súc, có điều thị trường bất ổn nên khó hình thành chuỗi hàng hóa giá trị.

Chăn nuôi, trồng trọt bao năm rồi ở Kỳ Sơn là một vòng luẩn quẩn không hồi kết, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa tiếp diễn liên hồi. Như mô hình trồng gừng đấy thôi, 2 năm trước phát triển cực thịnh thì giá thành bỗng chốc giảm sâu, tiếc công tiếc sức số đông lao động ngán ngẩm chuyển nghề, khi sản lượng ít đi thì thị trường lại nóng lên, chung quy chẳng biết đường nào mà lần. 

Số đông đánh giá gừng Kỳ Sơn không “đẹp mã” nhưng chất lượng thì miễn bàn, gừng có vị thơm đặc trưng, cay nồng nhưng không sặng mùi, ấy là nhờ được hấp thu tinh hoa đất trời ở những nơi có độ cao trên 700m so với mực nước biển, thuộc địa phận các xã Nậm Cắn, Mường Lống, Na Ngoi… Hiện toàn huyện có khoảng 60 ha trồng gừng, Kỳ Sơn vẫn còn dư địa để phát triển thêm, nhưng làm ra để bán cho ai, tiêu thụ như thế nào là điều trăn trở.

Chờ chuyển mình

Cũng bởi khó khăn tứ bề nên Kỳ Sơn nhận được sự quan tâm lớn của Trung ương thông qua 3 Chương trình MTQG trọng tâm là Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra Bộ NN-PTNT cũng “ưu ái” đặc biệt địa phương này với việc xây dựng Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn đến năm 2030”, mục tiêu đặt ra là khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc…

Hướng đi đã có, liệu Kỳ Sơn có bứt phá được không? Ảnh: Ngọc Linh.

Hướng đi đã có, liệu Kỳ Sơn có bứt phá được không? Ảnh: Ngọc Linh.

Chủ trương phải đi kèm với giải pháp mới mong bền vững, từ cơ sở thực tiễn các bên liên quan phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, đề án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai đồng bộ Kế hoạch trên tinh thần lồng ghép các chương trình, dự án, hoạt động lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao phân công, quản lý để triển khai hiệu quả, đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Dẫu biết công cuộc “chuyển mình” của dải đất khó Kỳ Sơn còn lắm chông gai, trắc trở, nhưng một khi có chủ trương, định hướng rõ ràng, việc rút ngắn thời gian thoát nghèo là điều có thể làm được.  

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm trà ‘made in Việt Nam’ ra thị trường quốc tế

YÊN BÁI Chương trình OCOP giúp HTX hoàn thiện các khâu của chuỗi sản xuất một cách khoa học, hiệu quả, từng bước đưa sản phẩm Tuyết Sơn Trà đến người dùng trong nước và quốc tế.