Tuy nhiên, mực nước có thể chỉ gia tăng 7 - 10cm so với điều kiện tự nhiên và không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ ở ĐBSCL.
Đây là công bố ngày 25/7 của Tổng cục Thủy lợi tại cuộc họp BCĐ Trung ương về Phong chống thiên tai.
Quang cảnh cuộc họp |
Theo Tổng cục Thủy lợi, công trình thủy điện XePian - XeNamnoy nằm ở lưu sông XeKong thuộc tỉnh Attapeu của Lào. Hồ thủy điện có tổng dung tích là 1.043 triệu m3), dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành từ 2019. Theo tính toán, vị trí đập cách dòng chính sông Mê Kông theo dòng XeKong khoảng 330km tới Stung Treng (thuộc Campuchia, nơi sông XeKong đổ vào sông Mê Kông). Vị trí vỡ đập theo dòng XePian về đến Stung Treng khoảng 270km. Từ Stung Treng về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu là 442km. Như vậy, tổng khoảng cách các nguồn nước xả ra từ hồ do vỡ đập và chủ động xả về đến biên giới Việt Nam là hơn 710km. Sau sự cố vỡ đập, mực nước tại Stung Treng ngày 25/7 đã tăng 71cm so với trước khi vỡ đập (ngày 23/7), mực nước tại Kratie tăng 26cm so với trước khi vỡ đập. Tuy nhiên, một phần việc gia tăng mực nước là do nước lũ từ đầu nguồn đổ về.
Dự báo, nguồn nước vỡ đập rút về sông Mê Kông tại Stung Treng sẽ hết vào 28/7. Như vậy, thời gian ảnh hưởng do gia tăng nước từ vỡ đập này đến ĐBSCL chỉ kéo dài đến ngày 1/8. Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, lưu lượng đỉnh lũ tại Kratie ngày 25/7 đạt 40.010 m3/s, dự báo đến 30/7 lưu lượng đỉnh lũ sẽ đạt 44.835 m3/s, tăng 4.825 m3/s so với hiện nay (bao gồm cả gia tăng lũ tự nhiên và gia tăng do nước từ vỡ đập thủy điện).
Do ảnh hưởng của vỡ đập, dòng chảy về ĐBSCL có thể tăng, dự báo mực nước ảnh hưởng do vỡ đập có thể làm tăng mực nước tại Tân Châu khoảng 7 - 10cm vào cuối tuần (27 - 28/7).
Hiện lũ tự nhiên từ thượng nguồn sông Mê Kông đang tăng kết hợp với kỳ triều cường, nếu chưa xét đến vỡ đập thì mực nước lũ trên đồng bằng sẽ tiếp tục tăng đến giữa tháng 8. Dự báo đến giữa tháng 8 mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu sẽ đạt 3,2m.
Tại cuộc họp BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trưởng BCĐ nhấn mạnh: Việc vỡ đập XePian - XeNamnoy mặc dù dự báo không có tác động đáng kể tới tình hình lũ tại ĐBSCL, tuy nhiên thời gian qua, mưa lớn kéo dài đã xảy ra trên diện rộng ở tất cả các khu vực thượng nguồn sông Mê Kông, gồm cả Trung Quốc và Lào. Hiện các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc và Lào cũng đang trong giai đoạn tích nước và đa số đã đầy nước.
Bên cạnh đó, các khu vực hạ nguồn sông Mê Kông như Campuchia, Thái Lan thời gian qua cũng đã có mưa lớn và dự báo tiếp tục xảy ra mưa lớn ở các lưu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Vì vậy trong bối cảnh lũ tại ĐBSCL đang lên cao, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến lũ tại ĐBSCL để có các giải pháp ứng phó kịp thời.