| Hotline: 0983.970.780

'Lũ lên nhanh, chúng tôi không kịp trở tay'

Thứ Năm 16/11/2023 , 06:36 (GMT+7)

Nhiều người dân tại thành phố Huế không kịp trở tay khi lũ về bất ngờ. Chính quyền địa phương đang nỗ lực hết sức để cứu người, tài sản...

Dân không kịp trở tay

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại phường Xuân Phú, thành phố Huế và khu vực phía nam sông Hương, nước lũ ngập sâu trên 1m, nhiều phương tiện ô tô, xe máy của người dân không kịp di chuyển nên ngập sâu trong nước, gây hư hại. Tại chung cư Xuân Phú nước ngập tầng một khiến sinh hoạt của cư dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Tân (sống ở tầng 2 chung cư) cho hay: "Tôi đi công tác vừa về thì gặp mưa lớn gây lụt. Nhà chưa có gì để dự phòng nên phải nhờ xuống máy để mua tạm mỳ tôm, nước khoáng và đồ đạc thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt gia đình. May mà có phương tiện để di chuyển chứ không thì mọi người không biết phải sống ra sao trong mưa lũ”, anh Tân nói.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Hồ Thị Thương (đường Nguyễn Hoàng, thành phố Huế), thất thần khi bị lũ đuổi sau lưng. Đến gần trưa thì nước lũ dâng vào nhà, gây ngập đồ đạc, hư hại tài sản.

“Đồ đạc không kịp kê lên cao nên đành chịu ướt. Giường, tủ, xe cộ chi cũng bị ngâm trong lũ. May mà tôi kịp thùng gạo với can nước mắm lên cao nên mới có đồ nấu ăn. Lũ lên nhanh quá chúng tôi không kịp trở tay”, bà Thương cho hay.

Người dân được lực lượng chức năng đưa lên ca nô để di chuyển tới nơi an toàn. Ảnh: Công Điền.

Người dân được lực lượng chức năng đưa lên ca nô để di chuyển tới nơi an toàn. Ảnh: Công Điền.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến chiều tối 15/11, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa to đến rất to đã làm lũ trên các sông Hương, sông Bồ vượt mức báo động III, gây ngập lụt nhiều khu vực. Các tuyến đường lớn như: Trường Chinh, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé... (thành phố Huế) bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m. Đến thời điểm này vẫn còn 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập từ 0,3 - 1,5 m gồm: Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông, Phú Lộc.

Mưa lớn làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hiền Sỹ - Văn Xá, Văn Xá - Huế, Truồi- Hương Thủy…, có đoạn ngập sâu trên mặt ray 0,5m.

Thủ tướng chỉ đạo nóng

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về thông tin phòng chống mưa lũ cho người dân, di dời người dân, phương tiện ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh nêu trên phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Mưa lũ gây ngập nhiều nơi tại thành phố Huế, khiến tài sản của người dân chìm trong nước. Ảnh: Công Điền.

Mưa lũ gây ngập nhiều nơi tại thành phố Huế, khiến tài sản của người dân chìm trong nước. Ảnh: Công Điền.

Các tỉnh tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở.

Các tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, học tập của học sinh ngay sau khi lũ rút.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ TN-MT giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định.

Các Bộ NN-PTNT, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác phòng chống thiên tai, mưa lũ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.