Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, lũ lụt tại Hà Giang đã khiến 5 người chết, 2 người bị thương; 2 nhà máy thủy điện gồm Nhà máy thủy điện Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên và nhà máy thủy điện Thái An, huyện Quản Bạ bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc; gần 2.900 nhà dân sạt lở, bị ngập úng hư hỏng. Lũ lụt tại Hà Giang cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông, hoa màu, đàn vật nuôi… bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại lên đến hơn 80 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại về thủy điện).
Ông Lê Anh Dũng, Chi cục phó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa các lực lượng khắc phục hậu quả trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Với thiệt hại về người cần giúp đỡ các hộ gia đình lo ma chay an táng. Với nhà ở, hoa màu bị thiệt hại có khả năng khắc phục cần khẩn trương làm lại, khắc phục giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
Để khắc phục hậu quả lũ lụt tại Hà Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở thực hiện kiểm kê chính xác số lượng thiệt hại về người và tài sản để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cũng đề nghị UBND thành phố Hà Giang cảnh báo người dân hạn chế di chuyển (trừ trường hợp cần thiết), để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt, di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn. Sau khi nước rút, huy động các lực lượng triển khai các biện pháp khắc phục (khơi thông, rửa dọn nhà và đường phố, khu vực dân cư)
Đề nghị Sở Công Thương tỉnh Hà Giang chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên sông Miện và sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên sông Miện, sông Lô. Khi xả lũ, thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.