Cụ thể, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m), tại Phú Thọ đang biến đổi chậm.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Mực nước lúc 5h sáng 11/9, trên sông Thao tại Yên Bái là 34,79m, trên BĐ3 2,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m; tại Phú Thọ 18,27m, trên BĐ2 0,07m. Trong khi đó, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 10,76m, trên BĐ2 0,26m.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3, tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9 và trên mức BĐ2.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,8m, trên BĐ3 1,8m vào sáng sớm 11/9 sau đó xuống chậm, tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21m, trên mức BĐ3 0,5m vào trưa 11/9 sau đó xuống.
Cảnh báo, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Do tác động của mưa, lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.