| Hotline: 0983.970.780

Lừa bán Dự án, thu tiền tỉ bất chính

Thứ Ba 07/10/2014 , 10:29 (GMT+7)

Không được giao dự án, không có hợp đồng kí kết với chủ đầu tư nhưng Cty CP Xây dựng 71 vẫn tự rao bán đất dự án công khai thu tiền của nhà đầu tư. 

Sau bốn năm, hành vi lừa bán dự án của Cty CP Xây dựng 71 chỉ bị phát hiện khi người mua đất đấu tranh đòi quyền lợi…

Bán dự án đã bị đình chỉ?

Dự án Green House tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức có diện tích 131.387 m2 được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt và giao cho Cty CP Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu (nay là Cty CP ĐT xây lắp dầu khí Hòa Bình) làm chủ đầu tư.

Năm 2009, khi có chủ trương sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì dự án này đã nằm trong 244 dự án của TP Hà Nội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đình chỉ để xem xét lại. Tuy nhiên, lợi dụng việc thiếu thông tin của người dân nên đến tận tháng 6/2010 các lô đất thuộc Dự án Green House vẫn được Cty CP XD 71, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh (có văn phòng đại diện tại số 47, lô 6, đường Trung Yên 14, khu đô thị Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rao bán với giá từ 17-20 triệu đồng/m2.

Để chiếm lòng tin của người mua đất dự án, phía Cty CP XD 71 tự giới thiệu họ là nhà đầu tư thứ cấp liên doanh với Cty Xây dựng Việt Phương đồng thời có cho khách hàng “xem qua” văn bản liên kết giữa Cty CP Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình – Cty Xây dựng Việt Phương – Cty Xây dựng 71.

Cũng vì được xem văn bản này kèm theo bản vẽ quy hoạch dự án mà những người như bà Mai Dung, trú tại Mễ Trì, Từ Liêm đã kí hợp đồng với ông Nguyễn Khánh Trình – TGĐ Cty CP XD 71 để mua mảnh đất 121 m2, giá trị trên 2 tỉ đồng; ông Lương Quốc Khánh, phố Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội kí hợp đồng mua 121 m2 với giá 2,4 tỉ đồng…

Hợp đồng bất minh

Chưa bàn đến mối liên hệ giữa Cty CP XD 71 với Cty CP ĐT xây lắp dầu khí Hòa Bình là có thực hay giả mạo nhưng khi Dự án đã có chỉ đạo đình chỉ của Thủ tướng Chính phủ thì mọi hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng liên quan đến Dự án đều là vi phạm pháp luật, ngay cả chủ đầu tư cũng không được phép.

Việc Cty CP XD 71 đứng ra bán đất dự án vào T6/2010 là có dấu hiệu “lừa” người tham gia mua đất dự án. Hành vi lừa bán đất còn thể hiện ngay trong bản Hợp đồng kí kết giữa Cty với người mua bởi thay vì lập Hợp đồng mua, bán hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía Cty CP XD 71 lại đưa ra mẫu hợp đồng gọi là “Hợp đồng giữ đất”.


Lập Hợp đồng giữ đất không phù hợp với quy định Luật Đất đai

Đây là loại hợp đồng không phù hợp với các điều khoản quy định tại Luật Đất đai mà việc lập một hợp đồng không theo Luật Đất đai, không theo các hướng dẫn của các Nghị định đi kèm thì đương nhiên hợp đồng bị vô hiệu.

Nội dung hợp đồng cũng không làm rõ được mối quan hệ giữa Cty CP XD 71 với Chủ đầu tư để thể hiện rằng Cty được ủy quyền thực hiện giao dịch mua, bán, chuyển nhượng đất trong dự án nhưng lại nhấn mạnh vào tiến độ và bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500.

Cụ thể hợp đồng ghi rõ “đã tiến hành đền bù GPMB xong và chủ đầu tư cùng các bên liên doanh là chủ thể hợp pháp để thực hiện dự án” về “vị trí diện tích đất liền kề, biệt thự được thể hiện ở bản đồ chi tiết 1/500”.

Có thể nói thông tin về tiến độ GPMB đã thuyết phục bà Mai Dung ngay tại thời điểm kí hợp đồng, bởi khi ấy bà hoàn toàn không biết Dự án đang bị đình chỉ, lại càng không thể biết thực chất Dự án này chưa có quy hoạch chi tiết thể hiện trên bản đồ 1/500, thậm chí bản quy hoạch chi tiết này còn chưa được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn chỉnh để trình UBND TP Hà Nội.

Phải đến một năm sau, vào tháng 10/2011, bà Dung đi Hoài Đức để xem dự án thì vẫn thấy cỏ mọc xanh um, không hề có dấu hiệu xây dựng mới tìm hiểu và bắt đầu nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo chuyên nghiệp. Bà Dung đã nhiều lần liên hệ với Cty CP XD 71 để đòi lại tiền nhưng phía Cty thường xuyên viện lý do “khủng hoảng kinh tế” để khất lần.

Quá bức xúc trước hành vi lừa chiếm đoạt tiền của Cty CP XD 71, bà Dung đã làm đơn gửi Báo NNVN để đưa ra công luận và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc.

Hiện chưa thể thống kê số nạn nhân từng kí hợp đồng mua đất dự án với Cty CP XD 71 nhưng theo nội dung Cty rao bán và Hợp đồng thì khu đất có khoảng 128 lô liền kề, 72 lô biệt thự và 35.203 m2 nhà ở thấp tầng… Như vậy chỉ dự tính giá trị riêng 200 lô đất liền kề và biệt thự với giá trung bình 2 tỉ một căn thì số tiền thu được đã trên 400 tỉ đồng.

Báo NNVN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin thêm về vụ việc này. Đề nghị những nạn nhân tham gia mua đất dự án Green House thông qua Cty CP XD 71 hay qua bất kì một doanh nghiệp nào khác có thể liên hệ với tòa soạn Báo NNVN theo địa chỉ số 17A Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 04.38256492; Email: baonnvn@hn.vnn.vn.

Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự (Hà Nội):

Cái sai lớn nhất trong “Hợp đồng giữ đất” chính là thời kiểm kí hợp đồng này. Hợp đồng được kí vào năm 2010, sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ có lệnh dừng hàng loạt dự án để sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Dấu hiệu lừa đảo thể hiện rõ hơn khi TP Hà Nội chưa quyết định cho dự án tiếp tục triển khai.

Thời điểm gần đây nhất là ngày 18/3/2013 UBND TP Hà Nội thông qua Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội còn có văn bản gửi Cty CP Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình, trong đó có nội dung “Trong khi chờ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh”.

Vì quy định này bản thân Cty CP Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình là đơn vị chủ đầu tư dự án Green House cũng chưa được phép lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 thì tại sao Cty CP Xây dựng 71 lại có đất, có số lô, số thửa để bán?

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm