| Hotline: 0983.970.780

Lúa Bao thai đặc sản thêm nức tiếng nhờ canh tác theo quy trình hữu cơ

Thứ Ba 12/11/2024 , 08:56 (GMT+7)

BẮC KẠN Giống lúa Bao thai nổi tiếng trên những cánh đồng ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) được người dân canh tác theo quy trình hữu cơ, mang lại tín hiệu tích cực.

Thu hoạch lúa Bao thai trồng theo quy trình hữu cơ tại huyện Chợ Đồn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thu hoạch lúa Bao thai trồng theo quy trình hữu cơ tại huyện Chợ Đồn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, giống lúa Bao thai đã gắn bó với người dân ở huyện Chợ Đồn nhiều đời nay. Đây là giống lúa bản địa cho chất lượng gạo tốt, từ lâu đã trở thành đặc sản của quê hương An toàn khu Chợ Đồn.

Những vụ gần đây, người trồng lúa ở Chợ Đồn dần chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng lúa Bao thai theo quy trình hữu cơ.

Vụ mùa năm nay, gia đình ông Đoàn Vũ Lâm ở thôn Pác Giả, xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn) canh tác hơn 2.000m2 lúa Bao thai. Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, vụ thu hoạch năm nay năng suất lúa Bao thai của ông Lâm đạt 60 tạ/ha.

Ông Lâm cho biết, chất lượng gạo Bao thai trồng theo quy trình hữu cơ tốt hơn so với trước nhiều, ăn cảm nhận khác hẳn, khi bán cũng được giá cao hơn. Nếu nhiều hộ cùng làm, mở rộng thêm diện tích sẽ thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới.

Những năm qua, giống lúa Bao thai luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu giống vụ mùa tại huyện Chợ Đồn. Vụ mùa năm nay toàn huyện cấy được trên 2.400ha lúa, trong đó giống Bao thai chiếm hơn 80% diện tích, tập trung ở các xã Phương Viên, Ngọc Phái, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Đồng Thắng, Yên Nhuận và Bình Trung.

Huyện Chợ Đồn đang mở rộng diện tích trồng lúa Bao thai chất lượng cao để nâng tầm thương hiệu gạo Bao thai Chợ Đồn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Huyện Chợ Đồn đang mở rộng diện tích trồng lúa Bao thai chất lượng cao để nâng tầm thương hiệu gạo Bao thai Chợ Đồn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tham gia mô hình liên kết trồng lúa Bao thai theo hướng hữu cơ, các hộ được tập huấn quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng. Người dân được hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ liên kết tiêu thụ. Qua đánh giá cho thấy, trước đây dùng phân vô cơ cây lúa phát triển nhanh nhưng sau một thời gian thường bị bệnh đạo ôn, không cứng cáp. Khi tham gia mô hình sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất, cây lúa đẻ nhánh khỏe, cứng cây và sạch bệnh, bông lúa rất đều và chắc hạt.

Từ năm 2023 đến nay, trên nhiều cánh đồng ở huyện Chợ Đồn, người dân đã dần chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ, riêng giống lúa Bao thai mỗi năm trồng hơn 30ha. Năm nay, huyện cũng đã triển khai mô hình gieo cấy giống lúa Bao thai chất lượng cao và được hỗ trợ theo Nghị định số 35 ngày 13/4/2015 của Chính phủ với diện tích gần 100ha.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn cho biết, trồng lúa Bao thai theo quy trình hữu cơ ở huyện Chợ Đồn bước đầu mang lại hiệu quả tốt, năng suất bằng hoặc cao hơn canh tác thông thường, cây lúa ít bị bệnh, đất đai màu mỡ hơn, môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi, sức khỏe người sản xuất tốt hơn. Ngoài hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ người trồng lúa Bao thai kết nối với các đơn vị tiêu thụ, xây dựng thương hiệu gạo Bao thai hữu cơ Chợ Đồn.

Chất lượng gạo bao thai trồng theo quy trình hữu cơ được đánh giá có chất lượng vượt trội so với canh tác truyền thống. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chất lượng gạo bao thai trồng theo quy trình hữu cơ được đánh giá có chất lượng vượt trội so với canh tác truyền thống. Ảnh: Ngọc Tú. 

Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm gạo Bao thai, huyện Chợ Đồn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chọn giống đến chăm sóc, khuyến khích thực hiện liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Huyện cũng chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương. Hiện nay, tại nhiều xã đã hình thành các hợp tác xã trồng và chế biến gạo Bao thai, sản phẩm được chế biến, đóng gói đủ điều kiện bán trong các trung tâm thương mại, siêu thị.

Ông Ma Ngọc Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) cho biết, dù không thuộc phạm vi dự án hỗ trợ trồng lúa hữu cơ nhưng xã cũng đang tích cực vận động người dân tham gia. Xã sẽ chọn một số đồng đất phù hợp để thực hiện trong những năm tới, phấn đấu xây dựng cánh đồng kiểu mẫu không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.  

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.