Thời tiết lại phập phù, thuận lợi sâu bệnh cuối vụ
Nhằm bám sát nguy cơ sâu bệnh hại lúa đông xuân cuối vụ tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng sản xuất lúa trọng điểm vùng ĐBSH, ngày 12/5, Cục BVTV đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng trừ sinh vật gây hại chính trên lúa vụ xuân 2020, chủ động sớm bàn giải pháp phòng chống vụ mùa 2020.
Theo ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV, hiện tại, lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc đang giai đoạn trỗ tập trung, dự kiến trỗ hết cơ bản trong khoảng 5-7 ngày tới. Nhìn chung đến thời điểm này, các địa phương đã chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật bám sát diễn biến, sớm dự tính dự báo nguy cơ các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa đông xuân và đã kịp thời phòng trừ hiệu quả. Vì vậy đến thời điểm này, chưa phát sinh các đối tượng sâu bệnh hại nghiêm trọng trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên theo Cục BVTV, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương dự báo những ngày tới, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa dông trên diện rộng, riêng vùng núi và trung du phía Bắc có nơi mưa to đến rất to. Đến trung tuần tháng 5/2020, các tỉnh phía Bắc sẽ có nhiều ngày mưa xen kẽ nắng nóng, trong khi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho một số đối tượng sâu hại cuối vụ bùng phát, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ…
Theo một số địa phương tại vùng ĐBSH, năm nay, sâu cuốn lá nhỏ trong vụ đông xuân có diễn biến phức tạp bất thường, nhất là một số địa phương tại các tỉnh ven biển. “Theo điều tra, đây là năm sâu cuốn lá nhỏ bùng phát mạnh nhất trong vòng 12 năm gần đây, có nơi mật độ lên tới 600-1.000 con/m2, vì vậy ngành BVTV của tỉnh đã phải sớm khuyến cáo nông dân phun trừ 2 lần” – ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thái Bình cho biết.
Cục BVTV khuyến cáo các địa phương thời gian tới, cần cảnh giác đặc biệt đối với sâu cuốn lá nhỏ, có nguy cơ gây hại trên lúa đông xuân trà muộn diện xanh tốt trỗ sau ngày 20/5. Ngoài ra từ nay đến cuối vụ, bệnh đạo ôn cổ bông có nguy cơ tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm, , các diện tích lúa đã bị đạo ôn lá nặng giai đoạn trỗ - phơi màu. Đối với các diện tích lúa này, cần tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại.
Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3 rộ từ giữa đến cuối tháng 5/2020, gây hại chủ yếu trên lúa chính vụ và trà muộn, có khả năng gây cháy ổ từ cuối tháng 5/2020 trở đi trên những diện tích có mật độ rầy cao, giống nhiễm và phòng trừ không kịp thời.
Cảnh giác bệnh lùn sọc đen
Theo Cục BVTV, những năm gần đây, mặc dù bệnh lùn sọc đen không phát sinh gây hại nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên, các địa phương vẫn cần hết sức cảnh giác với bệnh hại đặc biệt nguy hiểm này.
Đến vụ đông xuân năm 2020, virus lùn sọc đen vẫn lưu hành tại một số địa phương phía Bắc. Cụ thể, kết quả giám định virus của Cục BVTV trong vụ đông xuân 2020 với số lượng 1.095 mẫu (trong đó có 29 mẫu lúa và 345 mẫu rầy) cho thấy, vẫn có 18 mẫu dương tính với virus lùn sọc đen. Mặc dù bệnh lùn sọc đen chỉ gây hại cục bộ, rải rác trên lúa đông xuân giai đoạn đứng cái với tỉ lệ thấp (tại Ninh Bình, Thái Bình), tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh sang vụ mùa vẫn rất nguy hiểm, bởi đây là bệnh có nguy cơ bùng phát và gây hại cao trong vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc.
Theo Cục BVTV, hiện nay, các thông tin từ quốc gia láng giềng Trung Quốc cho thấy hiện bệnh lùn sọc đen đã gây hại trên các vùng sản xuất lúa lớn của nước này. Vì vậy, nguy cơ rầy di trú (rầy lưng trắng là đối tượng truyền bệnh lùn sọc đen) ảnh hưởng tới Việt Nam trong vụ mùa 2020 tại các tỉnh phía Bắc là rất cao, đặc biệt là trong mùa bão có khả năng phát tán di trú rầy tập trung trong tháng 7-8/2020, nhất là các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và ĐBSH.
Vì vậy, Cục BVTV đề nghị hệ thống BVTV các tỉnh tiếp tục triển khai bẫy đèn, lấy mẫu càng nhiều càng tốt (rầy lưng trắng, mẫu lúa), gửi phân tích giám sát phát hiện sớm virus lùn sọc đen trong thời gian tới nhằm sớm có giải pháp phòng trừ sớm. Đặc biệt là khuyến khích phòng bệnh bằng phương pháp xử lí hạt giống trước khi gieo cấy.
Theo PGS.TS Hà Viết Cường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), hiện nay, TS Cường phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã nghiên cứu và sản xuất thành công đối với bộ kít thử đối với bệnh do virus lùn sọc đen. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, phân tích nhằm phát hiện virus lùn sọc đen lưu hành tại nước ta.
Theo lãnh đạo Chi cục BVTV các tỉnh vùng ĐBSH, dịch chuột hại lúa đang là vấn nạn trong vụ này. Rất nhiều nơi, người dân bỏ ruộng vì chuột phá hoại chứ không phải thực sự chán không muốn làm ruộng. Rất nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích tiêu diệt chuột đã được các địa phương triển khai, nhưng đây vẫn là vấn đề mà thậm chí cuộc tiếp xúc cử tri nào nông dân cũng phản ánh, bức xúc.
Việc hệ thống thiên địch diệt chuột (nhất là rắn) bị tiêu diệt, được cho là nguyên nhân khiến dịch chuột ngày càng hoành hành.