| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Trên 1.350ha lúa đông xuân 'dính' đạo ôn

Thứ Sáu 10/04/2020 , 15:33 (GMT+7)

Từ cuối tháng 3/2020, tại Hải Phòng, thời tiết mưa nhiều nhỏ, độ ẩm không khí cao khiến cho sinh vật gây hại cho cây lúa phát triển, đặc biệt, bệnh đạo ôn lá.

Bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên 1.350ha lúa xuân tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên 1.350ha lúa xuân tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tỷ lệ nhiễm bệnh tăng 130%

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ xuân năm nay về cơ bản điều kiện thời tiết thuận lợi, đủ nguồn nước dưỡng cây, gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, các trà lúa sinh trưởng phát triển khá tốt, đang giai đoạn đứng cái - làm đòng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay, tại Hải Phòng, thời tiết mưa nhiều nhỏ, độ ẩm không khí cao khiến cho sinh vật gây hại cho cây lúa phát triển, đặc biệt, bệnh đạo ôn lá.

Cụ thể, đến nay, diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên lúa toàn thành phố là 5.783,7 ha (bằng 17,3% diện tích gieo cấy), bằng 452% so với năm 2019. Trong đó, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn gây hại là 1.350 ha (có 4,18 ha nhiễm nặng), bằng 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Bệnh xuất hiện và gây hại với tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%; cao 10-20%; cá biệt 70% và chủ yếu xuất hiện chủ yếu tại các giống TBR 225, Nếp, J02, Bắc thơm số 7, VT404, BC15... tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10% số lá, nơi cao 25-30%, cá biệt 50-60% số lá. Diện tích nhiễm bệnh đã được chỉ đạo phun trừ, nhiều diện tích phun 2 lần, hiệu quả phòng trừ tốt.

Tuy nhiên, do thời tiết liên tục có mưa, độ ẩm không khí cao nên hiện nay bệnh tiếp tục phát sinh phát triển, gây hại trên một số diện tích lúa.

Tại huyện Kiến Thụy, vụ xuân năm nay tổng diện tích gieo cấy lớn thứ 5 của Hải Phòng với 3.900ha, diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi đạo ôn lá đã xuất hiện tại các xã Thuận Thiên, Tân Trào, Đại Hà, Du Lễ.

Chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Hương cho hay: Năm nay, HTX có 700ha trồng lúa, riêng các vùng tích tụ có hơn 60ha. Bệnh đạo ôn đã xuất hiện lác đác trên diện tích lúa gieo cấy bằng mạ khay. Còn những chỗ gieo cấy mạ khay thì qua kiểm tra, cứ 1ha thì mới có 1-2 chấm khô vằn, mới chỉ có biểu hiện. Hiện tại, dịch bện đang được theo dõi chặt chẽ.

Tại huyện An Lão, bệnh đạo ôn lá cũng đã xuất hiện tại các xã Bát Trang, Trường Thành, Trường Thọ, An Thắng, Mỹ Đức, Chiến Thắng.

Ông Nguyễn Hữu Rạng – Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng lo lắng cho biết: hôm nay chúng tôi ra văn bản chỉ đạo việc phun thuốc, phòng trừ bệnh đạo ôn lá rồi nhưng trời đang mưa chưa thể thực hiện được. Toàn xã tôi vụ này cấy 235ha, có khoảng 5ha bị ảnh hưởng bởi đạo ôn lá, lốm đốm cũng có mà lụi đi rồi cũng có. Tôi sợ rằng với thời tiết mưa gió thế này diện tích bị ảnh hưởng sẽ không dừng lại ở 5ha.

Ngoài ra, những địa phương đang bị ảnh hưởng bởi bệnh đạo ôn lá như: xã Tam Đa, Hòa Bình, Hùng Tiến, Thanh Lương, Nhân Hòa, Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo); xã Tiên Thanh, Quang Phục, Quyết Tiến, Tiến Thắng (huyện Tiên Lãng); các xã Thiên Hương, Lâm Động (huyện Thủy Nguyên); xã An Đồng, Quốc Tuấn, An Hưng (huyện An Dương). Ước diện tích nhiễm bệnh 1.350 ha (4,2% tổng diện tích gieo cấy).

Tập trung theo dõi chặt chẽ diến biến dịch bệnh

Ngoài  diện tích lúa đã xuất hiện bởi bệnh đạo ôn, tại Hải Phòng diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 cũng rất lớn, khoảng 4.270 ha, trong đó diện tích có mật độ sâu xuất hiện từ 50 con/m2 trở lên cần phòng trừ là 3.600 ha.

Mặt khác, diện tích lúa bị chuột gây hại bắt đầu xảy ra rải rác tại các địa phương, nơi cao có tỷ lệ hại từ 5-10%, cá biệt 30-40%. Tổng diện tích chuột hại là 163,7 ha, trong đó có 12,2 ha bị hại nặng, so với cùng kỳ năm 2019, diện tích chuột hại đã giảm 114,3 ha.

Cơ quan chuyên môn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để hướng dẫn người dân phòng trừ hiệu quả. Ảnh: TTKNHP.

Cơ quan chuyên môn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để hướng dẫn người dân phòng trừ hiệu quả. Ảnh: TTKNHP.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, thời gian tới, do điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi (ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thích hợp) bệnh đạo ôn lá sẽ gây hại nặng trên giống nhiễm từ nay đến giữa tháng 4 và là nguồn bệnh gây hại cổ bông trên các giống nhiễm trễ trong tháng 4 đến đầu tháng 5/2020.

Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lửa 2 sẽ phát sinh gây hại trên diện rộng, mật độ cao trên lúa từ cuối tháng 4/2020; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại từ cuối tháng 4/2020,

 Do vậy, Sở NN-PTNT đã có chỉ đạo các quận huyện để thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời bảo vệ và giữ vững năng suất lúa vụ Xuân 2020 theo kế hoạch.

Ông Lê Việt Cường - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hải Phòng cho biết: Đối với bệnh đạo ôn, trên những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, cơ quan chức năng đã có văn bản gửi các quận huyện tiếp tục chỉ đạo nông dân dừng ngay bón phân đạm, các loại phân giàu đạm, chất kích thích sinh trưởng; hướng dẫn nông dân phun trừ, đặc biệt trên các giống nhiễm: TBR 225, Nếp, P6, JO2, Bắc thơm số 7, BC15... Những diện tích lúa bị bệnh nặng cần vợ bỏ lá bệnh và tiêu hủy trước khi phun thuốc; sau phun thuốc 5 -7 ngày nếu thấy xuất hiện vết bệnh mới phải phun lại lần 2.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và sinh trưởng của lúa Xuân để chỉ đạo nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân lựa chọn một số loại thuốc đảm bảo an toàn, hiệu quả; phun đúng kỹ thuật theo Thông báo số 139/TB-TrT ngày 12/3/2020 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Đối với các sinh vật gây hại khác, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến gây hại và chỉ đạo, hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

"Nhìn chung kết quả phun trừ sâu bệnh đến thời điểm này là đạt yêu cầu, việc phòng trừ sâu bệnh đã được cơ quan chức năng có kế hoạch. Còn bệnh đạo ôn bây giờ đã xuất hiện, chúng tôi đang đi kiểm tra và đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc để đảm bảo năng suất mùa vụ" - ông Cường cho biết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.