| Hotline: 0983.970.780

'Luật lá' nhà đền

Thứ Năm 15/04/2021 , 17:25 (GMT+7)

Đền Bảo Hà (đền ông Hoàng Bảy) mỗi năm thu hút hàng triệu du khách, nhưng việc quản lý nguồn thu của di tích này có những nhập nhằng, lỏng lẻo.

Khu bán sớ và 'lộc ông' ngay trong khuôn viên đền Bảo Hà. Ảnh cắt từ clip

Khu bán sớ và "lộc ông" ngay trong khuôn viên đền Bảo Hà. Ảnh cắt từ clip

“Lộc ông” cầu quan lộ, bốc bát họ

Đền Bảo Hà là khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia được xây dựng trên núi Cấm thuộc xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Khu du lịch tâm linh này, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách đến vãn cảnh, dâng hương, cầu may mắn. Thế nhưng, việc quản lý lỏng lẻo của Ban Quản lý lẫn chính quyền địa phương khiến nơi này phát sinh sản phẩm dịch vụ để móc túi du khách.

Có mặt tại đền Bảo Hà những ngày tháng 4, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng du khách thập phương đông kín. Sau các bức tường rào xây bao quanh đền, người ra, kẻ vào các ki-ốt để sắm lễ, ghi sớ trình lên Đền Ông.

Sau ghi viết nhoay nhoáy tên tuổi địa chỉ của khách vào tờ sớ in mẫu sẵn bằng chữ Hán, người ghi sớ mặt non choẹt khoe học 3 tháng mới hành nghề được; rồi hướng dẫn chọn “lộc ông” mà theo giải thích “lộc ông” kẹp cùng đồng tiền có 2 số cuối nằm trong cung số hoàng đạo cực kỳ tốt, dùng để trình lễ xin ông Hoàng Bẩy mở cửa kho ban cho lộc.

“Anh lái xe thì xin số 55, còn sếp anh lấy sức khoẻ là 56, công việc làm ăn 16, thăng tiến sự nghiệp hanh thông là 66”, người này nói và luôn miệng hỏi nghề nghiệp cụ thể của khách để tiện bề tư vấn.

Bởi “lộc ông” còn dành cho cả dân chơi cờ bạc số 04 - 07, cầm đồ số 69 và dành cho cơ quan nhà nước số 99… nói tóm lại là nghề gì muốn cầu may mắn cũng có, kể cả khai thác khoáng sản hay bốc bát họ.

Giá của mỗi “lộc ông”, sớ đều được các ki-ốt thống nhất thu 100 nghìn đồng/lộc, sớ 100 nghìn đồng/sớ. Có thể nói, những tờ sớ, lộc ông là sản phẩm siêu lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh tại đây.

Còn theo những người cao tuổi sinh sống ở đây, “lộc ông” không rõ được du nhập từ đâu nhưng vài năm gần đây được các ki-ốt bán, rồi biến tướng. Các ki-ốt từ ngoài lẫn trong đền đều bày bán “lộc ông”, để móc tiền của du khách và như thế là lừa đảo, không đúng với lương tâm. Cũng theo phản ánh của du khách, ở đây nhiều ki-ốt bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt hàng được ưa chuộng nhất tại đây là thuốc lá xì gà ngoại nhưng trên bao thuốc không có tem nhập khẩu.

Trực ban thu tiền vấn hầu của du khách không có phiếu thu hay hoá đơn. Ảnh cắt từ clip

Trực ban thu tiền vấn hầu của du khách không có phiếu thu hay hoá đơn. Ảnh cắt từ clip

Nhập nhằng thu tiền vấn hầu

Ở đền Bảo Hà, hoạt động tín ngưỡng trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng diễn ra suốt ngày đêm, 24/24h. Thế nhưng, khi các cô, cậu đồng (người hầu các giá đồng) muốn xin được hầu thánh thì trước đó đều phải thông qua nhà đền để đặt cung hầu. Tại đây, có 6 cung hầu chính gồm 2 cung Công đồng, cung Tứ phủ ông hoàng, cung Trần chiêu, cung Sơn trang và cung Đại bái.

Có thời điểm, nhà đền còn lập thêm các cung phụ ở ngoài sân tại các vị trí có cây hương mới đáp ứng được nhu cầu hầu đồng.

Mỗi cung hầu, nhà đền sẽ có mức giá khác nhau nhưng không nằm trong bất kỳ quy định nào, rẻ nhất là 500 nghìn đồng cho một ghế hầu thánh. Khi cô, cậu đồng không gọi cung văn (người chơi nhạc) của nhà đền sẽ phải đóng thêm 1 triệu đồng cho một ghế hầu.

Nhấp chén trà và rít hơi thuốc, ông trực ban dặn “nếu muốn hầu thì chờ ở đây gần chập tối. Tên là gì, nhà ở đâu, mấy người hầu? Triệu rưỡi một người cả văn và bà đồng. Chờ sau ghế này thì đến lượt mình nhá. Bây giờ người ta cúng ăn cơm xong mới hầu, 3-4h thì mang lễ ra…”, nói đoạn ông trực ban ghi tên người đặt lịch vào cuốn sổ rồi thu tiền nhét vào túi.

Điều đáng nói tất cả những khoản thu này nhà đền không có phiếu thu hay hoá đơn chứng từ. Ghi nhận tại đây, một vấn hầu thánh có thể kéo dài tới 4-5 giờ đồng hồ và tất nhiên thời gian đều được quy ra bằng tiền.

Cũng theo phản ánh của những cô, cậu đồng thì tại đây, vào chính tiệc tháng 7, các cô, cậu đồng xin cung nhà đền để được vào hầu thánh thì tiền cung hầu có thể tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường (theo từng vị trí cung hầu khác nhau). Có điều kiện tự mang cung văn hát trong lễ hầu thì các cô, cậu đồng phải nộp thêm khoảng 4-5 triệu đồng cho nhà đền.

Số tiền thu của du khách đến thực hành nghi lễ tâm linh lớn như vậy, nhưng với cách thu tiền như vậy không rõ Ban quản lý di tích đền Bảo Hà kiểm soát nguồn thu này như thế nào?

Trạm bán vé xe “trói” khu dân cư

Không chỉ lỏng lẻo quản lý khoản thu vấn hầu, Ban quản lý đền Bảo Hà còn tận thu bán vé trông giữ xe, gây bức xúc cho người dân sinh sống trong khu vực.

Bãi trông giữ xe của đền Bảo Hà nằm bên trong khu vực tường rào của đền. Thế nhưng, người dân không hiểu vì sao Ban quản lý đền lại lắp đặt trạm thu vé xe tận ngoài đường, cách cửa đền đến vài trăm mét.

Xe qua cầu Bảo Hà, tài xế chưa kịp định hình đường đi, lối lại, bảo vệ trong trạm chạy xổ ra, áp sát cửa ra hiệu lái xe hạ kính để mua vé trông giữ xe. Bất kỳ ô tô nào vào đến khu vực này thì đều phải mua vé, nếu không lực lượng bảo vệ sẽ ngăn cản, không cho xe vào. Họ không quan tâm, ô tô chở du khách đi lễ hay vào nhà dân.

“Qua cổng chú vào nhà ai quen không cần biết, vào bãi xe thì có bảo vệ trông còn vào nhà dân cũng bắt buộc phải mua, đây là đền nhà nước đang quản lý”, một bảo vệ nói.

Khu dân cư trước cửa đền có 2 lối ra vào thì cả 2 lối này đều bị án ngưỡng bởi trạm bán vé xe dựng bằng tôn từ nhiều năm nay, người dân bức xúc nhưng cũng chỉ biết chịu trận.

“Chúng tôi sống ở đây như bị giam lỏng, mất hết tự do. Bạn bè đến thăm nhau cũng khó hoặc muốn kinh doanh buôn bán cũng không thể làm được. Chẳng nhẽ họ vào ăn bát phở 20 – 30 nghìn thì cũng phải mất thêm từng đó tiền để gửi xe. Cách làm độc đoán này ảnh hưởng việc đi lại của chúng tôi”, người dân trong khu dân cư phản ánh.

Người dân cũng ý kiến lên chính quyền địa phương, nhưng đâu rồi lại vào đấy, mọi sự… vẫn y như cũ. Còn bảo vệ một mực khẳng định họ làm đúng và muốn vào khu vực này mà không mất vé thì chỉ có một cách…

“Muốn vào, người nhà phải lên đây xin, không có ai xin thì phải xé vé chứ không thể trách cứ chúng tôi được chuyện này. Sau có khách vào phải điện trước, mấy chục bạc không đáng bao nhiêu cả, chúng tôi bán vé của nhà nước. Chỉ có 30 nghìn nhưng lãnh đạo đứng kia mà nhìn thấy ông này sẽ bị đuổi việc ngay”, một trong số người bảo vệ nói.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ trạm bán vé xe được duy trì nhiều năm bởi nó mang lại nguồn thu rất lớn cho nhà đền. Cũng theo bảo vệ, ngày lễ, hay thứ 7, chủ nhật họ đứng bán vé cả ngày còn không kịp có thời gian nghỉ. Mỗi ngày 2 trạm bán vé này thu về trên dưới 10 triệu đồng với các mức giá cho các xe tuỳ thuộc ngày, đêm, số chỗ ngồi.

“Có 3 loại vé, xe con ngày là 20 nghìn, tối là 30 nghìn vé đỏ, xe từ 24 chỗ ngày là 40 nghìn, đêm 60 nghìn…”, người bảo vệ cho hay...

Có thể thấy rằng, du lịch tâm linh đang thu hút lượng lớn du khách đến Lào Cai. Tuy nhiên, song hành với việc phát triển cũng cần quan tâm tới việc quản lý sao di tích đền Bảo Hà xứng tầm với danh hiệu khu du lịch lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.