Tôi có thói quen, rảnh rang thì quơ trúng sách báo gì cũng đọc. Đọc nhiều thì biết nhiều điều mới lạ (với mình), mà biết nhiều cũng có khi đâm ra bất ngờ trước mớ thông tin mới lạ vừa lượm lặt được. Như chuyện cục đá ngồi chần dần ở trên gò giữa cánh đồng, một bữa người ta đến đem nó đi đâu đó. Để rồi bây giờ mới biết ra, đó là linh vật của người xưa, di chỉ khảo cổ học của một nền văn hóa tồn tại cách nay năm sáu thế kỷ. Nhưng chuyện đó chỉ làm tôi bất ngờ, chứ không hề bỡ ngỡ như chuyện sắp kể ra đây với bạn, một bữa phát hiện ra lục bình, hay còn gọi là bèo tây, có xuất xứ ở Nam Mỹ, theo chân người Pháp du nhập vào miền sông nước Cửu Long, từ mấy trăm năm trước. Chứ không phải là loài thực vật “rặc ri”, “nhà nòi” của miền Tây. Điều đó làm tôi hết sức bỡ ngỡ, cảm giác như phát hiện ra đứa em “ruột” chung nhà bao năm, thật ra là không cùng huyết thống.
Không bỡ ngỡ sao được, khi mới sinh ra, tôi đã được thấy lục bình. Má kể hồi mang bầu tôi tám tháng rưỡi, một bữa về quê ngoại chơi, để chuẩn bị tháng sau đã đủ chín tháng mười ngày sinh nở. Vậy mà mừng vui hay xúc động ra sao đó, giữa đêm tôi đạp bụng đòi chui ra. Đau bụng quá, má không nhớ mình đã nằm trên tấm vạc chiếc tắc ráng băng trên con rạch để đến trạm xá ra sao, chỉ nhớ bữa đó lục bình nhiều vô kể. Cây đèn pin ba cầm trên tay cứ một chốc lại phải pha ánh sáng ra phía sau, để ông ngoại cất cao cái máy kole 4 lên, tránh cấn vào những đám lục bình dày như thảm của rừng. Để rồi bữa từ trạm xá về nhà sau ba bữa sinh tôi, má kể rằng lục bình hai bên bờ trổ hoa tim tím đầy như hội, tấp vào hai bên chừa một lạch nước trong ở giữa để chiếc tắc ráng lướt êm trôi. Chi tiết đó làm tôi vui, bởi tin rằng lục bình mừng đón tôi, chẳng có gì để tặng nên chúng hóa bông cho dậy lên hương sắc thiệt thà.
Sau này mỗi lần về quê ngoại, hay đi đò ngang qua những dòng sông ở miền Tây, tôi luôn bị cuốn hút bởi những dề lục bình trôi xuôi ngược, lẫy bẫy theo gió, dập dờn trong mưa, chúng vẫn kiên nhẫn đi, không bao giờ đứng yên vô sự. Không biết lục bình có biết mình sẽ đi về đâu hay không, nhưng dù dừng chân trên bãi đất phù sa mới đọng, hay trôi tới rồi lại trôi lui, bao giờ chúng cũng sinh nở cháu con, mọc bông tim tím, mặc cho đời có xem hay không, vẫn trổ vươn lên!
Những lần đứng trên đò qua những dòng sông, tôi thường ngó xem những bãi bồi ven bờ. Và bao giờ cũng thấy đất mỡ màu xanh tươi, quyến rũ. Trong cái không gian đầy sức sống ấy, lục bình góp một vai trò quan trọng, bám lại miền đất mới được sinh ra, bằng chính bộ rễ của mình, để lắng đọng và bồi tụ từng hạt phù sa, dần dà tạo nên vóc nên hình của những bãi bồi cồn nổi. Có nét giống trẻ con, cứ một hai năm lại thấy những bãi bồi lớn nhanh như thổi. Và khi đất đã “có chưn” nhờ mớ rễ bám chặt như tấm đệm khổng lồ bao bọc đất. Đó cũng là thứ dưỡng chất hữu cơ mà lục bình để lại cho một cồn nổi sắp được đặt tên. Cồn sẽ đứng vững giữa sóng xô muôn thuở của dòng sông, lục bình lại tiếp tục ra đi ngược xuôi, lang bạt mà không đòi hỏi bất kỳ một sự trả ơn nào. Trong cuộc lan bạt ấy, chúng lại trổ bông, sinh sôi… nuôi dưỡng bao miền đất ngọt.
Trong tôi cũng có một miền đất ngọt, nổi lên như một cái cồn phì nhiêu trong ký ức tuổi thơ. Đó là khung cảnh thơ mộng của mái nhà chòi, gian chợ trẻ nít, lúc nào cũng có món bánh mì làm từ thân lục bình. Sự xốp của thân cây thật là kỳ diệu, nó trở thành thứ cảm giác khó có thể phai mờ dẫu mai sau hiếm khi cầm lại chúng. Chỉ cần nhớ là cảm giác ấy lại ùa về.
Thường sự ùa về của cảm giác về lục bình, kéo theo vị giác của những món ăn. Sẽ không lạ gì khi thấy dân miền sông nước nấu canh chua lục bình hay nõm lục bình chấm cá kho, lẩu mắm; ngó lục bình làm gỏi giấm ngon không thua gỏi ngó sen… Sự giòn, ngọt và thơm của lục bình chẳng khác nào một vị rau xanh đặc sắc trong vô số những món rau sống của miền Tây.
Dân xứ tôi thường nói, ăn rau cũng như uống thuốc, bởi họ tin rằng bất cứ thực vật rau cỏ nào ở miền Tây cũng làm nên vị thuốc. Tôi nhớ những mùa nước rút, hễ mỗi lần ra vọc sình bùn non trên sân là tôi lại bị mụn nhọt. Không ít lần ung nhọt sưng tấy lên, gây viêm loét, hành sốt li bì… Mỗi lần vậy, ông ngoại thường lựa những lá lục bình già, xanh tốt giã ra với muối rồi đắp lên chỗ nhọt. Trong tâm trí tuổi thơ, xem lục bình là bạn thân, nên mỗi khi đắp thuốc lục bình tôi luôn nghe lời ông ngoại nằm im, tin rằng bạn lục bình đang xoa dịu chỗ vết thương mình. Điều ấy hiệu nghiệm thật, không lâu sau vết ung nhọt gom lại lặn mất, hoặc mau chóng lành.
Và bây giờ, lục bình không chỉ là thứ thực vật quê mùa quẩn quanh miệt vườn sông nước, mà nó đã hóa thân thành bao món hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ theo xe lên phố, theo máy bay sang tận trời Tây. Nhờ vậy mà các dì, các chị tôi sau những giờ đồng áng, cắt một mớ lục bình phơi khô rồi ngồi đan giỏ xách, hộp đựng mỹ phẩm… cũng có thể kiếm được kha khá tiền.
Có những ngày vắng người, tôi về quê ngoại trên con đò vắng chỉ có tôi và người lái. Cảnh đượm buồn biết bao, nếu có thêm hoàng hôn và những bầy chim đang bay về tổ thì đủ bộ thê lương. Nhưng chỉ cần vài cánh lục bình trôi trên sông, vừa trôi vừa trổ bông, trôi như hối hả, cũng đủ điểm xuyết cho bức tranh phong cảnh quê hương trở nên sinh động, trữ tình. Vậy nên nhà thơ Đynh Trầm Ca mới thốt lên rằng, “Hỡi những khóm lục bình nở hoa tím nhạt/ Hoa nở tím trên đường trôi dạt/ Tỏa chút hương ngan ngát gửi quê nhà”.
Có một đoạn xa quê lên phố, sông phố đen ngầu vắng bóng cá đớp câu, tôi cũng không thấy đâu một bóng dáng lục bình. Vậy nhưng lòng vẫn luôn dặn rằng lục bình vẫn mênh mông ở sông quê, vẫn không thôi gìn giữ từng hạt phù sa trôi dạt. Để “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” của nhà thơ Phùng Quán ngân nga, “Đâu thể ví lục bình trôi nước đẩy/ Lục bình vừa trôi vừa trổ hoa” của nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, chực thấy mình cũng là một cánh lục bình chăng? Và lục bình thì dẫu trôi đi đâu, đến đâu cũng nở hoa tim tím vô tư, vươn lên mạnh mẽ, mặc cho sóng gió xô dạt đi đâu thì vẫn xanh, vẫn tím… Và chỉ là nỗi nhớ lục bình thôi, cũng đủ giúp mình đứng dậy. Vậy thì phải chăng đó chính là người bạn chỉ hiện ra khi hoạn nạn khó khăn, hay đó là một vị thuốc của quê hương, không chỉ trị bệnh ngoài da mà còn trị được những cơn đau thắt trong lòng…
Bạn thấy đó, bao năm lục bình đã mộc mạc như tính cách người dân miền Tây châu thổ, đã thân thuộc như anh em, như xóm giềng ruột thịt của tôi; vậy mà nay phát hiện gốc gác lục bình chẳng phải ở miền Tây, hỏi sao không bỡ ngỡ. Nhưng những cảm xúc bỡ ngỡ hay hụt hẫng về gốc gác của “một người bạn” cũng chẳng thể làm đổ vở bao ký ức khi xuyên suốt chiều dài tuổi thơ, lục bình xứng đáng là người bạn hiền lành thân thiết nhất của tôi. Cũng như khi nghĩ đến ông bà của mình, từ thuở xa xưa từ Ngũ Quảng di cư vào Nam khai hoang lập ấp, dựng nên làng mạc, thì nơi đây không chỉ sẵn lòng đón nhận người, mà còn sẵn lòng đón nhận cả lục bình từ trời Tây đến sống và giữ từng hạt phù sa cho thành bãi thành cồn… Nên cái thông tin tôi đọc được và mất vài phút bỡ ngỡ, chỉ là làm tôi thương nhớ lục bình hơn.