“Mỏng” về nhân lực
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong Luật Thủy sản 2017 có quy định tại các địa phương ven biển trên cả nước phải thành lập lực lượng kiểm ngư.
Trên cơ sở đó, trong Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ có quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó cũng có 1 Điều quy định về việc thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Hoạt động của bộ máy kiểm ngư địa phương được giao quyền quyết định cho UBND tỉnh.
Tại Bình Định, cũng theo ông Dương, đến giờ này được xem như đã thành lập lực lượng kiểm ngư theo Quyết định số 366/QĐ/UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh Bình Định. Quyết định này đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các chi cục chuyên ngành trực thuộc Sở NN-PTNT Bình Định.
Trong đó, có quy định cho tổ chức lại bộ máy của Chi cục Thủy sản Bình Định gồm 4 phòng chuyên môn, trong đó có Phòng Kiểm ngư-Thanh tra, kể như lực lượng kiểm ngư ở Bình Định đã được thành lập ở quy mô cấp phòng trực thuộc Chi cục Thủy sản.
Chức năng của Phòng Kiểm ngư-Thanh tra đã được Sở NN-PTNT Bình Định quy định tại Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Thủy sản. Sau đó, Sở NN-PTNT Bình Định tiếp tục ban hành Quyết định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định.
Cũng theo ông Trần Kim Dương, Phòng Kiểm ngư-Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định trước đây là Phòng Thanh tra-Pháp chế có 5 biên chế hành chính và 5 biên chế sự nghiệp là những người điều khiển các con tàu, ca nô thực thi nhiệm vụ của cơ quan. Sau khi thành lập Phòng Kiểm ngư-Thanh tra trên cơ sở phòng Thanh tra-Pháp chế cũ, phòng này được bổ sung thêm 2 nhân sự thuộc biên chế hành chính. Thế nhưng sự bổ sung này “có cũng như không”.
“Phòng Kiểm ngư-Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định được bổ sung thêm 2 biên chế hành chính, theo đó, hiện phòng này có 7 biên chế hành chính và 5 biên chế sự nghiệp. Thế nhưng hiện nay Chi cục Thủy sản Bình Định phải bổ sung nhân lực cho 3 tổ IUU đóng tại 3 cảng cá trên địa bàn tỉnh để tham công tác chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nên giờ dù Phòng Kiểm ngư-Thanh tra có thêm nhiều nhiệm vụ nhưng về nhân sự thực thi nhiệm vụ vẫn chỉ có 5 người như Phòng Thanh tra-Pháp chế trước đây”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.
“Mỏng” cả về phương tiện, quyền hạn
Theo phân cấp về khai thác thủy sản, từ vùng lộng trở vào vùng biển ven bờ được giao cho ngành chức năng địa phương quản lý. Trong khi Bình Định là tỉnh có chiều dài bờ biển đến 134km, tính từ vùng biển ven bờ ra đến vùng lộng khoảng 30km, như vậy vùng quản lý của ngành chức năng địa phương trong hoạt động khai thác thủy sản rộng đến hơn 4.000km2. Đó là chưa kể 3 đầm lớn là đầm Trà Ổ, đầm Đề Gi và đầm Thị Nại có tổng diện tích khoảng 8.000 ha nữa. Ấy vậy mà lực lượng kiểm ngư ở Bình Định chỉ có 5 con người thực thi nhiệm vụ, còn 2 người phải bổ sung cho các tổ IUU.
Hơn nữa, cán bộ Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định hiện nay chưa được bổ nhiệm kiểm ngư viên. Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, để bổ nhiệm kiểm ngư viên, cán bộ Phòng Kiểm ngư-Thanh tra phải đầy đủ các tiêu chí, được đào tạo nghiệp vụ bài bản. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản cũng đã có tổ chức đào tạo kiểm ngư viên nhưng mới chỉ 1 số người, chưa phủ kín, nên cán bộ Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định chưa được đào tạo.
Bên cạnh đó, phương tiện để đi tuần tra, kiểm soát hoạt động trên biển của Chi cục Thủy sản Bình Định hiện nay chỉ có 2 con tàu đã “già nua”, 1 con tàu có chiều dài khoảng 16-17m, 1 con tàu dài 14-15m, nên chủ yếu hoạt động ven bờ, ra cách bờ khoảng 5-7 hải lý chứ không thể đi xa hơn nữa, trong khi phạm vi trách nhiệm có đến hơn 4.000km2. Những con tàu này chỉ có thể chịu được sóng gió cấp 5, trong khi ở khu vực miền Trung thời điểm biển có sóng gió trên cấp 5 chiếm đến 1 nửa thời gian trong năm, biển động từ tháng 8-9 năm trước kéo dài sang tháng 2-3 năm sau.
“Về mặt tổ chức thì Phòng Kiểm ngư-Thanh tra không thể tăng thêm nhân lực theo chủ trương tinh giảm biên chế của Nhà nước, nhưng về phương tiện, công cụ hỗ trợ và kinh phí hoạt động, ngành chức năng và chính quyền địa phương có thể trang bị để lực lượng kiểm ngư có điều kiện thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, bộc bạch.