| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng chưa thành lập được tổ chức kiểm ngư

Thứ Năm 20/10/2022 , 18:42 (GMT+7)

Hải Phòng là một trong 5 ngư trường lớn ở Vịnh Bắc Bộ nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được tổ chức kiểm ngư theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân trước khi vươn khơi tại cảng cá Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân trước khi vươn khơi tại cảng cá Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có trên 125 km2 bờ biển và diện tích mặt nước biển khoảng 4.000 km2, là một trong những tỉnh, thành có nguồn lợi thủy sản rất đa dạng, phong phú.

Tại  Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương xác định Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Còn tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định Hải Phòng là một trong năm (5) Trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Thời gian qua, dù đã có bước phát triển nhất định nhưng lĩnh vực thủy sản của TP Cảng chưa tương xứng với tiềm năng, tổng sản lượng hàng năm chỉ xấp xỉ 200 nghìn tấn với tổng giá trị khoảng trên dưới 5 nghìn tỷ đồng.

Để triển khai Luật Thủy sản 2017, thực thi hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ và sớm gỡ “cảnh báo” thẻ vàng của EC, Bộ NNPTNT đã có văn bản 1530/UBND-NV ngày 12/3/2021 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo và sớm quyết định thành lập tổ chức kiểm ngư trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đến nay trong cả nước đã có khoảng 1/3 trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang,... Trong đó riêng tỉnh Kiên Giang thành lập được Chi cục Kiểm ngư.

Lực lượng kiểm ngư có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ảnh: Hoàng Nam.

Lực lượng kiểm ngư có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ  NN-PTNT cũng đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/8/2022 Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó quy định các ngạch công chức chuyên ngành kiểm ngư và ngạch công chức chuyên ngành thuyền viên tàu kiểm ngư.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã lập đề án bổ sung chức năng nhiệm vụ và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục Thủy sản để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đến nay, đề án đã được các địa phương và phòng ban liên quan đồng ý thông qua và đang được Sở Nội vụ thẩm định trước khi trình UBND TP Hải Phòng phê duyệt, nếu được thông qua, sẽ có 4 phòng và 2 đơn vị trực thuộc, trong đó, phòng Kiểm ngư sẽ có 5 biên chế.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, hiện tại đơn vị đang có 4 phòng và 2 đơn vị trực thuộc, toàn đơn vị được giao biên chế 23 công chức hành chính (2 người đã chuyển công tác) và 26 lao động hợp đồng làm việc trên tàu Kiểm ngư (2 người đã về thanh tra sở).

Thời gian qua, việc kiểm soát sản lượng tàu cá ra vào cảng tại các cảng cá trên địa bàn, giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển 24/24 đồng thời tuần tra, kiểm tra chống khai thác IUU nhằm chuyển biến từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển đội tàu cá xa bờ ngày một hiện đại hướng tới tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Lực lượng kiểm ngư làm nhiệm vụ trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Hoàng Nam.

Lực lượng kiểm ngư làm nhiệm vụ trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Hoàng Nam.

Theo yêu cầu, phải kiểm soát 100% sản lương khai thác thủy sản, vì vậy đơn vị phải bố trí nhiều cán bộ, công chức đi các huyện, quận để thu nộp nhật ký, báo cáo khai thác để hồi cố, thống kê sản lượng.

Do số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhưng số lượng cán bộ công chức bố trí cho đơn vị vẫn chưa bảo đảm theo cơ cấu tổ chức đã được duyệt nên thời gian qua công việc luôn trong tình trạng quá tải, cán bộ, công chức làm việc không có ngày nghỉ nhưng tiến độ và chất lượng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thấp. Thậm chí, các nhiệm vụ được giao tham mưu thường xuyên quá hạn do không đủ người làm việc.

Do vậy, việc xây dựng đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy chi cục thủy sản trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn là cần thiết để phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Lê Trung Kiên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, việc xây dựng Đề án nhằm bổ sung chức năng và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành.

Qua đó, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ năng lực, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Góp phấn kiện toàn, sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ, quyền hạn giữa các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn thuộc đơn vị đảm bảo theo hướng chuyên môn hóa, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các phòng và tương đương trực thuộc.

Việc khai thác thủy sản bất hợp pháp tại Hải Phòng và nhiều địa phương vẫn còn xảy ra. Ảnh: Đinh Mười.

Việc khai thác thủy sản bất hợp pháp tại Hải Phòng và nhiều địa phương vẫn còn xảy ra. Ảnh: Đinh Mười.

“Có nhiều vướng mắc nhưng đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã nhất trí với đề án, chúng tôi đang trình Sở Nội vụ thẩm định. Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay Hải Phòng sẽ thành lập phòng kiểm ngư, trực thuộc chi cục thủy sản”, ông Kiên khẳng định.

Biển, đảo của Việt Nam có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, tròn đó lực lượng kiểm ngư đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện nay, tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, thiếu ổn định, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định còn diễn ra phổ biến, phức tạp trên các vùng biển.

Trong đó, đáng lưu ý là việc tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt ở vùng biển ven bờ, số lượng tàu cá và cường lực khai thác lớn, ngư dân sử dụng phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi có xu hướng gia tăng, nhưng chưa có đủ lực lượng chuyên trách để thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học, chống khai thác IUU.

Trên thực tế, cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ, nguy cơ cảnh báo “thẻ đỏ” vẫn còn đó. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương thành lập lực lượng kiểm ngư để thực hiện vai trò của lực lượng này trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nhiều chức năng khác.

Hải Phòng hiện có 5 cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Ngọc Hải, Trân Châu, Bạch Long Vỹ, Hạ Long, Cát Bà và 7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là Mắt Rồng, Đông Xuân, Quán Chánh, Vạn Hương, Thủy Giang, Nam Hải, Cửa sông Văn Úc.

Toàn thành phố có 945 tàu cá đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase, trong tàu cá có chiều dài từ 6-12m là 331, tàu cá từ 12m-15m là 276, tàu từ 15m trở lên là 338 là một trong số các địa phương vẫn chưa thành lập được phòng kiểm ngư.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.