Trong những năm qua, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác phát triển làng nghề và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Những năm qua, làng nghề truyền thống không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn mà còn hạn chế người dân tự do ra thành phố tìm việc làm.
Ngoài ra, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các vùng, tiêu biểu như làng nghề sản xuất tranh đá quý tổ dân phố 7 thị trấn Yên Thế.
Các sản phẩm tranh đá của làng nghề được xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước và được ưa chuộng với chất lượng tốt, tổng lợi nhuận các hộ đạt khoảng 200 triệu đồng/ hộ/năm, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng, bà Nguyễn Thị Hằng, tổ 7, thị trấn Yên Thế chia sẻ: “Kể từ khi được công nhận làng nghề truyền thống, với uy tín và chất lượng các sản phẩm tranh đá của cửa hàng tôi được khách hàng tin tưởng, chúng tôi cam kết sản xuất ra những mặt hàng với chất lượng tốt nhất”.
Ông Lê Viết Đại - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: “Đây là vinh dự dành cho tổ dân phố 7 nói riêng và thị trấn Yên Thế nói chung, từ việc công nhận làng nghề sẽ góp phần tạo sự gắn bó liên kết trong sản xuất tranh đá quý, đồng thời xây dựng thương hiệu của làng nghề, thu hút được du khách khi về với thị trấn Yên Thế”.
Một trong những làng nghề duy trì và phát huy được bản sắc truyền thống của dân tộc là Làng nghề thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc xã Phúc Lợi.
Trung bình mỗi năm, làng nghề sản xuất 5.000 sản phẩm bao gồm khăn đội đầu, mũ, quần, váy, áo dài, yếm, thắt lưng, túi…
Tổng doanh thu của làng nghề trên 1,6 tỷ đồng/năm. Việc duy trì và giữ vững được làng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ Dao đỏ xã Phúc Lợi đã mang lại niềm tự hào đối với bà con nơi đây.
Bà Triệu Thị Nhậy, làng nghề thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi bày tỏ: “Người Dao đỏ chúng tôi có những nét đặc trưng riêng, với những sản phẩm như quần áo, phụ kiện được làm từ dệt thổ cẩm, do ít người làm nên có chút mai một, bản thân tôi qua nhiều năm muốn duy trì nét truyền thống, bản sắc của dân tộc mình đến với các thế hệ sau này, đến nay đã được công nhận làng nghề là một vinh dự, một niềm vui lớn đối với chúng tôi”.
Đến nay trên địa bàn huyện Lục Yên đã có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đó là: Làng nghề thêu dệt thổ cẩm Thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi; làng nghề chế tác đá mỹ nghệ thôn Cây Mơ, xã Liễu Đô; làng nghề sản xuất tranh đá quý tại tổ dân phố 7, thị trấn Yên Thế và Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Thôn 1, xã Tân Lĩnh. Các làng nghề trên địa bàn huyện Lục Yên cơ bản hoạt động ổn định. Tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn.
Tổng số hộ tham gia các làng nghề hiện nay là trên 170. Tổng số doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 17 tỷ/năm. Phát triển làng nghề truyền thống của địa phương đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ, gắn với giữ gìn các phong tục tập quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần gắn kết các địa phương có truyền thống từ lâu đời, tạo cơ hội cùng nhau phát triển.
Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục quan tâm duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, từ đó, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa - xã hội của các địa phương theo hướng bền vững.
Phát triển nghề và làng nghề các địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; đồng thời chọn lọc, lựa chọn phát triển các ngành nghề và làng nghề của các địa phương có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch.