| Hotline: 0983.970.780

Lùm xùm Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái thể hiện kẽ hở trong kiểm soát tài sản

Thứ Ba 04/07/2017 , 14:18 (GMT+7)

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - kẽ hở trong quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức thể hiện rất rõ trong sự việc lùm xùm của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Biệt phủ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái
Khu dinh thự rộng trên 13.000 m2 của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái (Ảnh: Toàn Vũ).
 
Liên quan đến vụ việc lùm xùm tại tỉnh Yên Bái, tại cuộc họp Chính phủ hôm qua 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cán bộ sai thì phải điều tra, kết luận, xử lý. Tôi đã nhắc anh Sáu (ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ) là phải kết luận cho được vụ Giám đốc Sở để dư luận xấu như thế, làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước”.

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, đoàn thanh tra Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đang yêu cầu ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái giải trình về thông tin vay ngân hàng 20 tỷ đồng xây dựng khu dinh thự hoành tráng thu hút dư luận thời gian qua.

Ông Phạm Sỹ Quý sẽ phải cung cấp đầy đủ hồ sơ vay vốn ngân hàng, vay của ngân hàng nào, tài sản thế chấp là gì,… Đặc biệt, ông Phạm Sỹ Quý sẽ phải chứng minh với đoàn thanh tra việc vay ngân hàng 20 tỷ đồng là của riêng gia đình ông hay gồm một nhóm người khác nhau cùng vay mượn để thực hiện khu dinh thự.

Từ đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành đối chiếu với bản kê khai tài sản, thu nhập mà ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai trong năm 2016 và những năm trước đó.

Bên cạnh đó, một vấn đề đang được tập trung làm rõ là việc chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng thành đất ở chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn có đúng pháp luật hay không? Các công trình xây dựng như nhà thờ, biệt thự, nhà ở, cây cầu bắc qua hồ nước,… trong khu dinh thự có xin giấy phép xây dựng đầy đủ?

Trao đổi với PV Dân trí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - đánh giá, kẽ hở trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức suốt thời gian qua thể hiện rất rõ trong câu chuyện của ông Phạm Sỹ Quý.

Trong bản kê khai tài sản, thu nhập mới nhất năm 2016, ông Phạm Sỹ Quý kê khai không có các khoản nợ phải trả từ 50 triệu đồng trở lên nhưng khi trả lời báo chí chiều 29/6, ông Quý lại nói vay nợ ngân hàng 20 tỷ đồng.

Bản kê khai với một khối tượng tài sản rất lớn được niêm yết công khai tại Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái suốt một thời gian dài nhưng không hề có đơn thư, khiếu nại.

Tháng 3/2017, ông Phạm Sỹ Quý ký văn bản báo cáo Thanh tra Tỉnh Yên Bái khẳng định: “Trong quá trình niêm yết bản kê khai tài sản thu nhập của những người có nghĩa vụ phải kê khai đối với tất cả các đơn vị thuộc Sở, không tiếp nhận được ý kiến nào phản ánh liên quan đến nội dung bản kê khai của những người có nghĩa vụ phải kê khai thuộc Sở”. Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái “không có trường hợp nào phải giải trình, xác minh tài sản, thu nhập”; “không có trường hợp nào bị yêu cầu xác minh của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền”…

Thanh tra Tỉnh Yên Bái
Văn bản về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2016 do ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái ký gửi Thanh tra Tỉnh Yên Bái vào tháng 3/2017 (Ảnh: T.K).
 
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi báo chí phản ánh về khu dinh thự hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, dư luận cả nước đã hết sức bức xúc. Để đảm bảo khách quan, mình bạch, UBND tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phân tích: “Khiếu nại tố cáo trong việc kê khai tài sản, thu nhập ít diễn ra, nhưng khi mà thông tin về tài sản của quan chức được báo chí đăng tải thì luôn khiến người dân bức xúc. Câu chuyện đặt ra hiện nay là công khai bản kê khai tài sản với giới hạn, quy mô như thế nào để đảm bảo minh bạch”.

“Quy định hiện nay chưa chặt nên mới có chuyện vay mượn 20 tỷ đồng ở ngân hàng nhưng cơ quan kiểm soát việc kê khai tài sản lại không biết. Người kê khai tài sản thì luôn kê khai theo hướng có lợi cho mình. Thế thì phải đặt ra câu chuyện cơ quan quản lý hồ sơ kê khai khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường thì phải lập tức mời người kê khai tới để giải trình”- ông Vân nêu quan điểm.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, theo ông Lê Thanh Vân, tình trạng nể nang, tìm cách “hợp thức hoá cho nhau” khá phổ biến. Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập còn “thuần tuý quá”; người tiếp nhận kê khai tài sản chỉ lưu trữ, trong khi phạm vi giám sát còn hẹp, chưa được mở rộng ra khu dân cư, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để người dân giám sát.

Quan trọng hơn cả, theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải làm tốt công tác cán bộ, chọn được những người lãnh đạo thực sự có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, có lòng tự trọng cao thì mới kiểm soát được lòng tham trong suốt quá trình quản lý, điều hành.

Trong khi đó, phản ánh với Dân trí, một chuyên gia về xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần phải làm rõ cả việc ông Phạm Sỹ Quý kê khai thu nhập tăng thêm trong năm 2016 là 1 tỷ đồng có được đóng thuế đầy đủ hay không.

Tài sản theo kê khai của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Ông Phạm Sỹ Quý kê khai, gia đình đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trai diện tích 2ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.

Ông Phạm Sỹ Quý kê khai, tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đây là thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.

 

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.