| Hotline: 0983.970.780

Tiếp vụ huyện Tương Dương bị tố 'biết ăn không biết trả': Nhiều tình tiết bị vênh

Thứ Ba 02/04/2019 , 20:35 (GMT+7)

Xung quanh câu chuyện hàng loạt nhà hàng kinh doanh ăn uống tại thị trấn Hòa Bình tố huyện Tương Dương (Nghệ An) cố tình chây ỳ số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng, mới đây địa phương này đã công bố kết luận thanh tra số 212/KL-UBND.

Kết luận số 212/KL-UBND của UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) đề cập đến việc “kế toán không thực hiện bàn giao và lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định dẫn đến việc thất lạc”, hay “nhiều chứng từ thanh toán tiền tiếp khách không ghi rõ số lượng khách, không thể hiện rõ nội dung làm việc, không có hóa đơn chi tiết kèm theo, nhiều chứng từ bị tẩy xóa”. 

Dựa trên tình tiết này, dư luận thực sự băn khoăn với con số thực nợ hiện tại mà Đoàn Thanh Tra nêu ra.

Mặc dù khẳng định “trên cơ sở báo cáo tài chính và số liệu đối chiếu với Kho bạc Nhà nước huyện hàng năm cho thấy từ 2011 - 2015 Chủ tài khoản và Kế toán văn phòng đã thực hiện lập sổ sách, bảng kê theo dõi thu chi, có hồ sơ đối chiếu theo quy định, hàng năm đều có số dư chuyển năm sau, không thấy dấu hiệu thiếu nguồn kinh phí để phục vụ cho quá trình hoạt động”, thế nhưng qua công tác thanh tra lại cho thấy muôn vàn sai sót.

Kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt vấn đề của Văn phòng UBND huyện Tương Dương giai đoạn 2011 - 2015

Cụ thể, toàn bộ hồ sơ chứng từ thu chi ngân sách cả năm 2011 và từ tháng 1/2015 đến tháng 7/2015 chưa tìm thấy để cung cấp cho đoàn thanh tra; hàng năm văn phòng không lập báo cáo, tờ trình đề nghị phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thẩm định quyết toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách; không có biên bản thẩm định quyết toán hàng năm của phòng Tài chính – Kế hoạch huyện; không có báo về các khoản nợ phải trả với lãnh đạo huyện.

Bên cạnh đó nhiều chứng từ thanh toán tiền tiếp khách không ghi rõ số lượng khách, không thể hiện rõ nội dung đoàn đến làm việc, công tác, định mức chi, không có hóa đơn chi tiết kèm theo; nhiều chứng từ thanh toán năm 2015 bị tẩy xóa, chi trùng nội dung… tổng số tiền sai phạm là 173.425.000 đồng…

Liên quan đến các nội dung trên, Đoàn Thanh tra huyện kết luận trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo văn phòng, trực tiếp là chủ tài khoản và kế toán văn phòng từ năm 2011-2015. Việc không lập biên bản thẩm tra quyết toán hàng năm đối với đơn vị dự toán, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo phòng Tài chính – Kế hoạch.

Điều đáng nói, cá nhân ông Quang Văn Đặng (nguyên CVP) và ông Nguyễn Văn Tỷ (kế toán giai đoạn 2011-2015) khăng khăng tổng số tiền cán bộ công chức cơ quan văn phòng HĐND – UBND huyện “tạm ứng” chưa thanh toán là 3.520.668.000 đồng (trên 3 tỷ 500 triệu đồng). Tuy nhiên, qua thanh tra xác nhận của kho bạc huyện không thấy phản ánh số liệu dư nợ tạm ứng, mặt khác cân đối nguồn thu và các khoản chi hàng năm của Văn phòng không thể hiện số tiền tạm ứng nêu trên, không có phiếu chi tạm ứng chưa thanh toán. Bởi thế không có cơ sở để kết luận cán bộ, CNVC của UBND huyện đang nợ tạm ứng chưa thanh toán số tiền trên với cơ quan văn phòng HĐND-UBND huyện. (?!)

Vẫn theo các ông Quang Văn Đặng, Nguyễn Văn Tỷ và Nguyễn Đình Khôi (Phó Văn phòng) tổng những khoản nợ  từ 2011-2015 là 6.101.355.000 đồng, trong đó mới thanh toán, tạm ứng, khấu trừ được 1.336.969.000 đồng, hiện còn nợ 4.764.386.000 đồng. Dù vậy, phía Thanh tra xác định nợ thực tế là 5.147.899.000 đồng, thực tiền còn thiếu chỉ còn 713.416.000 đồng (?!)

Điều dư luận đang quan tâm là số tiền thực nợ hiện tại (trên 700 triệu đồng) đã chính xác hay chưa?

Kết luận của huyện Tương Dương khẳng định: Ông Lê Văn Hùng (kế toán năm 2011), ông Nguyễn Văn Tỷ (kế toán văn phòng từ 2012 đến tháng 57/2015) không thực hiện bàn giao và lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định dẫn đến việc thất lạc, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra; hàng năm ông Quang Văn Đặng (chủ tài khoản) và ông Nguyễn Văn Tỷ không thực hiện thanh quyết toán ngân sách với Phòng Tài chính - Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách, 2 ông này cũng không báo cáo với lãnh đạo UBND huyện về các khoản nợ phải trả; ông Nguyễn Văn Tỷ đang nợ tạm số tiền 200 triệu đồng thuộc kinh phí hoạt động của HĐND huyện năm 2015…

Từ những sai phạm nêu trên, UBND huyện Tương Dương kiến nghị biện pháp xử lý sau:

Liên quan đến vấn đề này, huyện Tương Dương đã giao Thanh tra huyện tham mưu, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý hành vi “có dấu hiệu tội phạm kinh tế do không cung cấp hồ sơ, chứng từ kế toán năm 2011 và từ tháng 1 đến tháng 7/2015 cho đoàn thanh tra đối với ông Quang Văn Đặng, ông Lê Văn Hùng và ông Nguyễn Văn Tỷ”.

Về xử lý hành chính, giao lãnh đạo Văn phòng HĐND-UBND huyện tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với tập thể, lãnh đạo văn phòng giai đoạn 2011-2015; giao lãnh đạo phòng Tài chính – Kế hoạch tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo phòng giai đoạn 2011-2015; giao thanh tra huyện  tham mưu đề xuất hình thức xử phạt vi phạm hành chính  đối với hành vi tẩy xóa một số chứng từ thanh toán trong năm 2015, lập chứng từ chi trùng nội dung của phiếu chi khác đối với ông Nguyễn Văn Tỷ, lập chứng từ tiền thuê phương tiện không đúng quy định đối với cá nhân ông Quang Văn Đặng, ông Nguyễn Văn Tỷ.

Về xử lý kinh tế, giao Thanh tra huyện tham mưu Chủ tịch UBND huyện thu hồi đối với cá nhân ông Nguyễn Văn Tỷ (kế toán) và bà Vi Thị Hương (thủ quỹ) số tiền 173.425.000 đồng nộp trả ngân sách; thu hồi đối với ông Quang Văn Đặng, ông Nguyễn Văn Tỷ, bà Vi Thị Hương số tiền 195.004.000 đồng do lập hồ sơ chứng từ thanh toán thuê xe không đúng quy định; giao văn phòng HĐND-UBND huyện tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi của đơn vị để thanh toán dứt điểm trong năm 2019 đối với các khoản nợ cho các đơn vị, cá nhân với số tiền 713.416.000 đồng; yêu cầu ông Nguyễn Văn Tỷ cung cấp hồ sơ, chứng từ đang nợ tạm ứng tiền mặt số tiền 200 triệu đồng thuộc nguồn kinh phí hoạt động của HĐND huyện năm 2015, phối hợp với văn phòng HĐND – UBND huyện thực hiện thanh toán tạm ứng với kho bạc huyện theo quy định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất