| Hotline: 0983.970.780

Lượm nhặt xuân tàn

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:02 (GMT+7)

Hết Tết, cây quất cảnh trị giá tiền triệu trở thành rác thải ngập phố phường, nhưng nó lại là nguồn sống khi vào tay nông dân trồng quất cảnh.

Những gốc quất bỏ đi được nhặt về trồng tái sinh
Hết Tết, cây quất cảnh trị giá tiền triệu trở thành rác thải ngập phố phường, nhưng nó lại là nguồn sống khi vào tay nông dân trồng quất cảnh. 

Đối với chị Hoàng Thị Bích Liên, một hộ dân trồng quất cảnh tại thôn Tuân Lề, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) thì công việc thông lệ đầu năm, sau Tết nguyên đán không phải là chuẩn bị đi du xuân, mà là chuẩn bị xe thồ để đi xin quất cảnh về trồng tái sinh cho vụ mới. 

Mục tiêu trong tầm ngắm để xin được cây quất đẹp, đó thường là trụ sở của các cơ quan, đơn vị, DN hoặc các gia đình “nhà cao cửa rộng” tại Hà Nội, bởi nơi này trước Tết thường mua những cây quất thế to cao, đắt tiền về chơi. Những cây quất to, bầu còn nguyên vẹn, sau khi trồng lại có sức tái sinh nhanh, sống khỏe nên xin được những gốc càng to, càng nguyên vẹn càng tốt.

Việc đi xin quất cảnh cũng như đi úp nơm. Có nhiều đơn vị trước Tết mua những chậu quất thế hay quất tháp cỡ lớn, có giá tới 5- 7 triệu đồng, nhưng sau Tết lại bỗng trở thành “của nợ”, vứt đi không được. Nếu vớ được những chỗ “sộp” như thế, chủ nhân thậm chí còn mừng rơn, đồng ý cho rước đi cả hai tay. Thế nhưng cũng có nhiều chỗ, chủ nhân cây quất cảnh đắt tiền có vẻ “xót” vì trước Tết phải bỏ ra một số tiền lớn mới tậu được “của quý” nên muốn nấn ná để lại chơi cho tới khi nào quất tàn héo, rụng hết lá thì mới thôi. 

Trong khi đó, muốn quất trồng tái sinh sống khỏe thì phải xin về trồng càng sớm càng tốt. Những chỗ này, nếu là cây quất gốc to, thế đẹp thì người đi xin phải đặt vấn đề mua lại, với giá có khi cả triệu đồng mỗi cây. Còn lại phần đa những chậu quất dạng tháp, cỡ vừa (mua trước Tết từ 300.000- 1 triệu đồng) thì chủ nhân thường cho không, hoặc bán lại với giá chỉ từ 20- 50 nghìn đồng/chậu.

Nói về cái lợi của việc “đi nhặt xuân tàn”, chị Liên phân tích: “Thu nhập từ ruộng của nhà tôi một năm chỉ trông vào 7 thước đất trồng quất cảnh. Trước Tết, nhà tôi có 80 gốc quất, bán được 40 triệu, chi cho Tết nhất, trả nợ coi như hết. Ra Tết phải xuống giống mới, mà giống quất con một năm tuổi bây giờ rất đắt, phải 70- 100 nghìn đ/cây. Trong khi đó, nếu xin quất về trồng tái sinh, chịu khó chăm sóc thì thực ra quất lại phát triển nhanh hơn, cuối năm kích cỡ quất lại to hơn các hộ vào giống mới. Thế là được lợi cả đôi đường, vừa đỡ tiền giống, vừa có nguồn giống tốt”.  

Anh Trần Văn Hùng, một hộ dân chuyên trồng quất tái sinh khác tại vùng quất cảnh xã Tiên Dương nêu kinh nghiệm: Để quất tái sinh sinh trưởng tốt, sau khi đưa quất trở lại ruộng, phải dỡ hết dây thép tạo thế, trẩy hết quả cũ, cắt bớt cành và lá, sau đó trồng và tưới nước thường xuyên. Sau ba tháng quất sẽ rụng hết lá cũ, ra rễ mới và bắt đầu nảy chồi và ra quả non. Lúc này phải tưới gốc cho quất phân chuồng lỏng kèm lân hòa tan và thuốc kích thích rễ để quất ra rễ khỏe hơn, đồng thời vặt hết lứa quả non mới hình thành. Đến tháng 6 (ÂL), quất trồng tái sinh sẽ ra lứa quả non mới. Sau đó, người trồng quất cảnh sẽ bắt đầu quy trình hãm quả kèm theo các chế độ chăm sóc rất kỳ công để kịp thời có lứa quất cảnh bán vào dịp Tết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.