Dù không khí nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần, nhưng học sinh khối lớp 9 tại Hà Nội và TP.HCM vẫn đang căng thẳng từng ngày luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022.
Áp lực không chỉ đè nặng lên mỗi học sinh còn còn bủa vây mỗi phụ huynh, mỗi gia đình. Có những điểm luyện thi một ngày tới 4 ca, và ca đầu tiên bắt đầu từ 5h30. Học sinh lớp 10 mà phải luyện thi từ lúc mờ sáng, thì có phải là một câu chuyện trớ trêu không?
Vì sao có cơn sốt luyện thi vào lớp 10 ở hai đô thị lớn nhất nước? Vì ai cũng muốn con em mình vào một trường trung học phổ thông có uy tín, mà cụ thể là trường chuyên lớp chọn. Học sinh nọ nhìn ngó học sinh kia, phụ huynh này so kè phụ huynh khác, thế là hình thành trào lưu đua chen luyện thi.
Với 4 môn bắt buộc cho kỳ thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, thì việc luyện thi cấp tốc có ý nghĩa gì không? Xin thưa, học nhồi học nhét chưa bao giờ mang lại kết quả gì. Cho nên, cuộc thất điên bát đảo luyện thi từ mờ sáng, cũng chỉ nhằm phục vụ cho ham muốn tìm kiếm điểm số của mỗi học sinh.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục Việt Nam phải đối diện bao nhiêu bất cập, cũng vì căn bệnh thành tích. Chất lượng đào tạo dường như không còn nằm ở kiến thức và kỹ năng của mỗi học sinh, mà lại nằm ở những báo cáo và các danh hiệu. Băn khoăn đặt ra, bình thường quá trình dạy và học như thế nào, mà đến kỳ thi cuối bậc trung học cơ sở lại phải hộc tốc luyện thi vào lớp 10?
Từ lớp 9 lến lớp 10 chỉ là một bước chuyển cấp trung học đơn giản, cũng lôi kéo và hình thành cả một cơn bão luyện thi, thì những điều rao giảng về công nghệ giáo dục thời đại 4.0 nghe chừng hơi buồn cười.
Hiện nay, bằng Tú Tài không còn giá trị gì cho hành trang cuộc đời của bất kỳ cá nhân nào. Không đơn vị và không tổ chức nào tuyển dụng lao động chỉ có bằng Tú Tài, thì tại sao lại quá nghiêm trọng kỳ thi vào lớp 10 như vậy? Đây là một câu hỏi nhức nhối, mà những nhà giáo dục phải suy tư để có câu trả lời thật nghiêm túc.
Đã đến lúc phải phải cân nhắc có nên tổ chức thi vào lớp 10 nữa hay không? Tại sao không xét kết quả học tập bậc trung học cơ sở để tuyển vào bậc trung học phổ thông, mà lại bày ra cuộc thi tốn kém vào nhiêu khê? Cuộc thi vào lớp 10, thực chất là vì học sinh, vì nhà trường hay vì những “lò” luyện thi đông đúc và ồn ào?
Trong tuần lễ đầu tiên nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã có tâm thư, nhấn mạnh: “Nếu người học thấy hạnh phúc, thì niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo”. Vậy thì, kỳ thi vào lớp 10 có khiến “người học thấy hạnh phúc” không?