| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 31/03/2022 , 14:52 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

14:52 - 31/03/2022

Mắc kẹt trong văn hóa

Ở xứ người là ĐƯỢC đi học, đi làm; còn ta thì PHẢI. Ta mong từng ngày về hưu, lao động chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ, lúc nào cũng 'toan về già'.

Hôm rồi, thầy tôi từ Hàn Quốc về và có kể cho nghe một mẩu chuyện ở xứ người: Một vị giáo sư đồng nghiệp của thầy ở xứ ấy hồ hởi khoe rằng cha mẹ của ông ấy đã được công ty vệ sinh nhận vào làm! Ông bà cụ rất vui sướng, như trẻ thơ được nhận quà.

Hai ông bà già ấy vốn là giảng viên âm nhạc danh tiếng ở một trường đại học lớn của Hàn, và vừa nghỉ hưu. Họ tha thiết được đi làm. Nhưng để được nhận thì không phải dễ. Phải qua các vòng, đủ điều kiện về sức khỏe, về đủ thứ, chỉ khi đó mới được chấp thuận. Sau một thời gian loay hoay, thì cuối cùng vỡ òa, công ty vệ sinh đã gật đầu!

Ở những xứ ấy là ĐƯỢC đi học, được đi làm; còn ta thì PHẢI. Ta mong từng ngày để về hưu, lao động chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ, lúc nào cũng “toan về già”.

Hai ông bà già người Hàn Quốc kia đi làm không phải để mưu sinh. Họ không có nhu cầu ấy, chỉ là họ yêu lao động, họ muốn thấy mình có ích cho xã hội, cho cuộc đời; và hơn hết, lao động với họ là cuộc sống.

Công việc của họ là làm sạch công viên trong thành phố. Chỉ đáng tiếc là ở những xứ ấy không có nghề cao quý như ở ta. Với họ, nghề nào cũng cao quý cả. Lao động, với họ, chỉ là lao động mà thôi, nó như khí trời, như hơi thở. Làm gì có hơi thở cao quý với hơi thở không cao quý!

Nhớ dạo nọ, vụ “mang tiền về cho mẹ” mà mọi người xì xào. Cái hiếu của Việt được tiền giả định bằng cái vô dụng của cha mẹ, và đạo của con cái là làm sao cho cha mẹ sung sướng…

Bàn cãi trở nên buồn cười, hệ quy chiếu văn hóa làm cho ta mắc kẹt, đến kẻ “sâu sắc giếng khơi” cũng trở thành hài hước khi luẩn quẩn trong cái khí quyển văn hóa ấy. Và, có lẽ nó sẽ thật lạ lùng đối với hai ông bà già là giảng viên đại học kia, đến nỗi chắc họ sẽ không thể hiểu cả cái chuyện rằng nên hay không nên mang tiền về.

Vấn đề không phải là học đòi, bắt chước để rồi từ bỏ văn hóa của cộng đồng mình; mà là chọn lọc và giữ gìn bản sắc trên nền của các giá trị phổ quát mang tính nhân loại - những giá trị đã và đang làm nền tảng cho cho sự phát triển hưng thịnh của đa số các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tất cả những điều đó để nhằm một mục đích ban đầu và lâu dài: xây dựng một cộng đồng khỏe khoắn, cả về thể chất lẫn đời sống tinh thần trên sự nâng đỡ của những quan niệm và tư tưởng đề cao tình yêu lao động, tự lực, tự cường và hạnh phúc với sáng tạo.

Cuối cùng, chúng tôi không có ý đổ lỗi cho người già/người trẻ hay một đối tượng cụ thể nào trong xã hội. “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”, vì thế, Nhà nước cần cải tạo môi trường xã hội để làm mảnh đất tốt, vực dậy và nuôi lớn những giá trị trong mỗi cá nhân. Đến lượt mình, cá nhân phải thức nhận sâu xa về các phẩm chất căn bản để bảo vệ và tự thành toàn.