| Hotline: 0983.970.780

'Mạch máu' vững chắc của những cánh đồng hàng trăm hecta

Thứ Tư 22/11/2023 , 06:05 (GMT+7)

Hệ thống mương thủy lợi kiên cố giúp người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng hàng trăm hecta.

Hồ thủy lợi Sung Lảng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã được đưa vào sử dụng để phục vụ sản xuất của bà con. Ảnh: M.D.

Hồ thủy lợi Sung Lảng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã được đưa vào sử dụng để phục vụ sản xuất của bà con. Ảnh: M.D.

Bà con thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn, Lào Cai) những ngày nay đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu để chuẩn bị làm đất trồng cây vụ đông.

Thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa khiến những chiếc máy tuốt lúa hoạt động hết công suất; trên trục đường liên thôn, xe chở thóc từ ruộng về nối đuôi nhau. Ông La Văn Đoan có nhiều ruộng nhất thôn Đồng Vệ, năm nay thu hoạch được 40 bao thóc.

"Nhờ thủy lợi kiên cố, nguồn nước đảm bảo, bây giờ làm ruộng vụ nào cũng ăn chắc, không phải nơm nớp lo bơm nước chống hạn", ông La Văn Đoan nói.

Đồng Vệ là cánh đồng cao ở xã Chiềng Ken. Trước đây, để đưa nước lên, bà con đắp đập bằng đá rồi làm hệ thống cọn nước ven suối, nhưng cứ đến mùa lũ là bị cuốn trôi. Năm 2004, nhà nước đầu tư một cây cầu máng dẫn nước từ hệ thống thủy lợi Phai Mường sang Đồng Vệ.

Ông Đoan nhớ lại: "Con nước về đến đâu, bà con khai khẩn thêm đất sản xuất đến đó, cánh đồng khô cằn trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa thì nay đã được 2 vụ, diện tích đất canh tác cũng được mở rộng lên gấp đôi".

Ông Vấn Thanh Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho biết, hệ thống thủy lợi Phai Mường gồm 2 đập đầu mối dẫn nước từ xã Liêm Phú về các cánh đồng của Chiềng Ken, tổng chiều dài tuyến kênh hơn 18km, phục vụ nước tưới cho 6/14 thôn của xã. Nhờ hệ thống nước được đảm bảo, năng suất lúa trên địa bàn luôn đạt cao, trung bình 72 tạ/ha. Hệ thống thủy lợi này còn giúp nông dân nơi đây mở rộng diện tích ao nuôi thủy sản. Mỗi năm trung bình người dân Chiềng Ken cung cấp ra thị trường 130 tấn thủy sản các loại.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, cùng với công trình thủy lợi Phai Mường, ở khu vực này còn 1 công trình thủy lợi với quy mô tương đương là thủy lợi TaKô phục vụ sản xuất đa mục tiêu lấy nước từ suối Nhù tưới cho các cánh đồng của xã Khánh Yên Hạ.

Thời kỳ bao cấp, hệ thống mương chủ yếu được xếp đá và đắp đất, đến những năm 2000, hệ thống phai, đập, mương dẫn nước dần được kiên cố, đến nay, hệ thống mương kiên cố đã phủ khắp cánh đồng, giúp chủ động nguồn nước.

Cánh đồng Chiềng Ken, Khánh Hạ cũng là những cánh đồng lúa có diện tích lớn của huyện Văn Bàn. Năng suất ở những cánh đồng này cũng luôn đứng đầu huyện. Hệ thống thủy lợi TaKô, xã Khánh Yên Hạ cung cấp nguồn nước cho 2/3 hộ nông dân trên địa bàn sản xuất. Trong khi, hệ thống thủy lợi Phai Mường giúp 60% diện tích canh tác trên địa bàn xã Chiềng Ken.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Văn Bàn thì xã Chiềng Ken, Liêm Phú, Khánh Yên Hạ đã quy hoạch là vùng sản xuất lúa, rau mùa, cây ăn quả. Do đó, hệ thống thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại những xã này.

Cầu máng dẫn nước từ hệ thống thủy lợi Phai Mường sang Đồng Vệ (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: M.D.

Cầu máng dẫn nước từ hệ thống thủy lợi Phai Mường sang Đồng Vệ (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: M.D.

Trên địa bàn huyện Văn Bàn hiện có 376 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài hơn 738km. Các công trình này đã góp phần tưới tiêu cho gần 9.000ha lúa 2 vụ; 1.946ha rau, màu và ổn định nguồn nước cho 460ha ao, hồ nuôi thủy sản.

Về hệ thống hồ, đập, toàn huyện hiện có 18 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 1 hồ (hồ Khe Quất); cấp huyện quản lý 2 hồ (hồ Sung Lảng, hồ Leo Liềng); còn lại 15 hồ do cấp xã quản lý.

Các hồ thủy lợi trên địa bàn đáp ứng được việc điều tiết nước sản xuất kết hợp nuôi thủy sản.

Từ khai thác các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn huyện Văn Bàn có 78 công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa gồm 5 công trình hồ chứa nước thủy lợi, 73 công trình kiên cố bê tông kênh mương. 

Tổng kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình là hơn 160 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương gần 60 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh hơn 41 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương gần 51 tỷ đồng; huy động từ nguồn vốn khác gần 11,5 tỷ đồng.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.