Cây măng cụt còn gọi là sơn trúc, có tên khoa học Garcinia mangostana L., thuộc họ bứa (Clusiaceae), là loại trái cây miền nhiệt đới được trồng nhiều nơi ở miền Nam nước ta. Trái măng cụt (sơn trúc tử) ăn khá ngon, đồng thời là vị thuốc quý.
Theo các thầy thuốc, trong “cơm” trái măng cụt có chứa hoạt chất polyphenol là xanthon có tác dụng chống ôxy hóa, giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể; kháng nấm: Xanthon có đặc tính kháng nấm và kháng vi khuẩn; kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể, kháng dị ứng, nhất là những dị ứng xảy ra trong ruột ; ức chế những tế bào ung bướu, nên có ích trong việc chống ung thư; giúp giảm đau, được dùng để điều trị những chứng đau, viêm sưng, làm hạ sốt; có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể, nên rất có ích cho những người muốn giảm cân.
Vỏ trái măng cụt chứa từ 7 - 12% tanin, nhựa và chất đắng. Trong dân gian thường sử dụng vỏ trái măng cụt để làm thuốc với tác dụng sát khuẩn, làm săn da, cầm tiêu chảy và kiết lỵ. Ăn trái măng cụt có tác dụng chống viêm và ngăn ngừa khối u hiệu quả và có thể ngăn chặn các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, Alzheimer và các bệnh mãn tính khác.
Sau đây là những bài thuốc từ vỏ trái măng cụt:
- Trị tiêu chảy, kiết lỵ: Lấy 10 cái vỏ trái khô cho vào nồi nấu sôi với một lít nước cho đến khi còn khoảng nửa lít, chia hai - ba lần uống trong ngày.
- Trị tiêu chảy: Vỏ trái măng cụt khô 20g, vỏ rộp cây ổi 12g. Sắc với 700ml nước, còn 300ml, chia làm hai lần uống trong ngày.
- Trị kiết lỵ: Vỏ trái măng cụt khô 20g, hạt mùi (ngò) 4g, tiểu hồi 4g (hoặc hạt thìa là 5g). Sắc uống trong ngày.