| Hotline: 0983.970.780

Mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đầu tiên của cả nước

Thứ Bảy 11/11/2023 , 15:28 (GMT+7)

TP.HCM Mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ được thành phố hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng ở khu vực các quận và TP Thủ Đức, 550.000 đồng/người/tháng ở khu vực các huyện ngoại thành.

Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM Khóa X. Ảnh: Thành Nhân.

Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM Khóa X. Ảnh: Thành Nhân.

Sáng 11/11, kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Quy định mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.HCM.

Qua đó, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ sớm được hình thành trên địa bàn TP.HCM và trở thành những cánh tay nối dài của các trạm y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn.

Dự kiến sẽ thu hút trên 16.200 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Trong đó, 5 huyện trên 3.680 cộng tác viên, 16 quận và TP Thủ Đức trên 12.500 cộng tác viên. Với tổng kinh phí dự kiến là trên 104 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ được thành phố hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng ở khu vực các quận và TP Thủ Đức, 550.000 đồng/người/tháng ở khu vực các huyện ngoại thành. Ngoài ra, các cộng tác viên còn được thành phố hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT nếu chưa có thẻ BHYT với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người/năm.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, từ nhiều năm qua, số lượng nhân viên y tế tại mỗi trạm y tế dao động từ 5-10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ dân số trên 100.000 dân). Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe: lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng, phòng chống Covid-19, truyền thông y tế,…

"Một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến mỗi người dân để vận động mỗi hộ gia đình, mỗi người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khoẻ cộng đồng", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nêu.

Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho hệ thống y tế không chỉ của TP.HCM, mà còn là bài học lớn cho hệ thống y tế của cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có thể khẳng định, vai trò và tầm quan trọng của lực lượng các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (Community Health Worker, viết tắt là CHW).

Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho hệ thống y tế. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho hệ thống y tế. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng luôn là thách thức đối với hệ thống y tế thành phố: dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết Dengue, dịch bệnh tay chân miệng, dịch bệnh mới nổi khác (Mpox),… Ngành y tế thành phố xác định nhóm hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo như: chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử...

Trong đó, lực lượng y tế tuyến đầu triển khai các hoạt động ưu tiên này chính là nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã và một lực lượng không thể thiếu chính là các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. 

Nhiệm vụ chính của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật; Giáo dục và tư vấn sức khỏe như tiêm chủng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường, và các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tật; Hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật như phòng ngừa, điều trị và quản lý các bệnh tật trong cộng đồng, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây. Họ cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các cá nhân bị bệnh để đảm bảo việc điều trị và chăm sóc đúng cách.

Ngoài ra, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng còn giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh bằng cách hướng dẫn cộng đồng về vệ sinh môi trường, khuyến khích tập thể dục và các hoạt động giảm stress. Họ cũng có thể hỗ trợ trong việc cải thiện môi trường sống, ví dụ như đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sự lây lan của bệnh tật và tăng cường an toàn thực phẩm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.