Phơi măng khô |
Gia đình ông Trần Văn Trị ở bản Khéo là hộ thu nhập khá từ cây trồng này. Ông Trị cho biết trước đây trên diện tích gần 2ha đất đồi gia đình trồng ngô, sắn. Năm 2009 gia đình mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ sang trồng măng mai.
Theo ông Trị, cây măng mai có đặc tính dễ trồng, phù hợp với cả đất dốc và đất bằng, không tốn công chăm bón, không sâu bệnh, trồng khoảng 3 - 5 năm thì cho thu hoạch, củ có trọng lượng từ 6 lạng đến hơn 2kg, thu hoạch thường xuyên trong 4 tháng. Giá bán măng luộc từ 3 - 5 nghìn đồng/kg hoặc sấy làm măng khô, bán từ 110 - 150 nghìn đồng/kg.
Qua hạch toán, mỗi năm gia đình ông bán măng tươi khoảng 15 tấn, măng khô hơn 1 tấn, trừ tất cả chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Ông Trị cho biết: “Từ khi có cây măng mai đời sống gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều, có điều kiện nuôi con và sắm sửa đồ dùng giá trị”.
Bản Khéo có diện tích trồng cây măng mai nhiều nhất nhì của xã, hộ ít thì mấy chục khóm, hộ nhiều lên đến hàng nghìn khóm. Do vừa có thể tận dụng cây làm rào, vừa có măng ăn và được thị trường ưa dùng nên đến nay gần như cả thôn đều trồng măng mai...
Anh Trần Minh Họa ở bản Lẹng trồng gần 7ha măng mai. Vào mỗi vụ thu hoạch anh Họa còn thu mua của các hộ trong thôn để chế biến và đem bán cho thương lái. Anh Họa cho biết: “Măng mai Lâm Thượng được thị trường rất ưa chuộng vì mềm và ngọt. Chúng tôi chế biến sản phẩm tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Hiện Lâm Thượng có hơn 350ha măng mai- là xã có diện tích lớn nhất huyện, trong đó diện tích thực thu chiếm trên 90%. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất của địa phương nên những năm gần đây măng được mùa được giá, bà con rất phấn khởi.
Theo ông Trần Thanh Trúc, Chủ tịch xã Lâm Thượng, ước tính vụ măng mai năm nay, bà con thu hoạch trên 1 nghìn tấn măng tươi, với giá dao động từ 4.500 - 5.500 đồng/kg thu về trên 5,2 tỷ đồng. Khác với trồng rừng phải đợi gần chục năm mới cho thu hoạch, sau thu hoạch lại phải trồng mới nhưng vòng đời cây măng mai rất dài và năm nào cũng cho thu sản phẩm. Đây thực sự trở thành cây giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Măng tươi dễ tiêu thụ |