| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/08/2019 , 09:07 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:07 - 05/08/2019

'Mày biết tao là ai không?'

“Mày biết tao là ai không?”. Câu nói đó đã vang lên ở rất nhiều nơi, và càng ngày người ta nghe thấy càng nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Một người lái xe vi phạm luật giao thông, khi bị CSGT dừng xe xử lí, đã hùng hổ “mày có biết tao là ai không?”.

Một ông hay bà nào đó ngang nhiên vi phạm nội quy khám chữa bệnh của bệnh viện, khi được nhân viên nhắc nhở, đã hùng hổ văng ra câu nói đó. Một vị ăn mặc sang trọng vào dự một phiên tòa, ngang nhiên ngồi vắt chân chữ ngũ nghe điện thoại, bị cảnh sát bảo vệ nhắc nhở, cũng trợn mắt “mày có biết tao là ai không?”, đến nỗi HĐXX phải tạm dừng phiên tòa để xử lí vụ việc...

Và gần đây nhất, khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày nay, là việc ông Vũ Anh Cường, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư thương mại Đất Lành, ngồi ghế hạng thương gia trên chuyến bay VN 253 của Vietnam Arlines từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, đã có hành vi sàm sỡ một nữ hành khách ngôi cạnh. Khi bị tiếp viên trưởng đến giải quyết, cũng văng ra “mày biết tao là ai không” rồi... sàm sỡ luôn cả tiếp viên trưởng, và rất nhiều trường hợp khác, không thể kể hết trong một bài báo ngắn.

Những người văng ra câu nói đó đều là những người hoặc là nhiều tiền (thường được xã hội gọi nôm na là “đại gia”), hoặc là vợ con, người nhà những cán bộ có địa vị lớn trong xã hội, hoặc là những người có một địa vị xã hội nhất định và có mối quan hệ thân thiết với những người có địa vị cao.

Khi thốt ra câu nói đó, là họ muốn khẳng định với người đối diện về địa vị, quyền thế, chức vụ của mình, nhằm gây áp lực với người đối diện đang xử lí việc họ vi phạm hay tự cho mình cái quyền được vi phạm pháp luật, để những người có quyền xử lí không dám “sờ” vào họ.

Nhưng dù ở bất cứ địa vị nào, hoàn cảnh nào, một khi đã văng ra câu nói đó, là họ đã hiện nguyên hình là một kẻ hoàn toàn không có văn hóa ứng xử, dù cái ghế mà họ ngồi có cao đến đâu, và dù bằng cấp của họ có cao, có nhiều đến đâu.

Bằng câu nói đó, họ đã tự cho mình cái quyền đứng trên mọi quy định của pháp luật. Họ không hiểu hay không thèm hiểu rằng ngay từ thời phong kiến, các quốc gia đã có những quy định về sự bình đẳng trước pháp luật, rằng “vương tử phạm pháp, xử tội như thứ dân” hay “quốc pháp bất vị thân”.

Còn ở xã hội văn minh, ở xã hội pháp quyền, thì “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, Từ ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng, từ bộ trưởng cho đến chủ tịch tỉnh..., nếu vi phạm, đều bị xử lí như với bất kì một dân thường nào phạm pháp. Pháp luật không loại trừ ai, lại càng không có vùng cấm. Nhưng vì sao họ vẫn vênh vang, vẫn thốt ra những câu nói đó?

Câu trả lời chỉ có thể là: Dù có bằng cấp đầy mình, nhưng đó vẫn chỉ là những kẻ vô học! Họ xứng đáng phải nhận những hình phạt cao nhất với những hành vi vi phạm.