Sau khi cơ quan công an khởi tố và bắt giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm và 6 đối tượng liên quan vì hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, thì hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh cái máy xét nghiệm Covid-19 đã xảy ra.
Máy xét nghiệm Real-time PCR tự động là tổ hợp các máy tách chiết, phân tích kết quả xét xét nghiệm, có ý nghĩa rất quan trọng để phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã móc nối với các doanh nghiệp tư nhân mua bán lòng vòng và thổi giá mỗi cái máy xét nghiệm lên đến 7 tỷ đồng, nghĩa là đắt gấp 3 lần so với giá phổ biến trên thị trường.
Tranh thủ cơn nguy khốn của cộng đồng để móc ngoặc tham nhũng là một việc làm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bộc lộ sự đê hèn tha hóa ở một bộ phận cán bộ biến chất.
Tuy nhiên, sai phạm ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội có phải cá biệt và duy nhất không, lại là một vấn đề cần phải giám sát và điều tra nghiêm túc.
Chỉ với 3 máy xét nghiệm được mua gấp gáp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã ăn chặn khoảng 15 tỷ đồng ngân sách.
Trong bối cảnh cần khống chế virus corona, bỏ tiền để trang bị máy xét nghiệm cho các đơn vị y tế là điều đáng ủng hộ. Thế nhưng, khi cái lợi phơi bày trước mắt những kẻ tham lam và ích kỷ, thì không thể không có quy trình theo dõi giá cả chặt chẽ.
Kỳ lạ thay, khi đường dây bẩn thỉu ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị phanh phui, thì nhiều nơi đang vận hành máy xét nghiệm Covid-19 lại khẳng định thiết bị hiện có của họ là phương tiện đi mượn.
Quái lạ, sao lại có công ty nào dễ dàng chi ra bạc tỷ để nhập khẩu máy xét nghiệm rồi cho mượn khắp nơi như vậy? Nếu thật sự có đơn vị hảo tâm đến mức độ ấy, thì tại sao lâu nay những chỗ được mượn máy xét nghiệm không báo cáo với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 để biểu dương và khen ngợi kịp thời tấm lòng nhân ái cao thượng?
Ngoài vài trường hợp máy xét nghiệm bỗng dưng được cho mượn thoải mái, thì giá cả của máy xét nghiệp được mỗi địa phương thẩm định theo một kiểu khác nhau. Đà Nẵng mua máy xét nghiệp với giá gần 1,4 tỉ đồng, còn Quảng Nam mua máy xét nghiệm với giá 7,2 tỷ đồng.
Trớ trêu hơn, Quảng Ninh và Thái Bình sau khi đưa máy xét nghiệm vào sử dụng, thì lại yêu cầu đàm phán để giảm giá xuống dưới 6 tỷ đồng. Trong khi đó, Lâm Đồng và Gia Lai được doanh nghiệp tư nhân tặng máy xét nghiệm với giá dưới 2 tỷ đồng.
Có phải máy xét nghiệm có nhiều chủng loại và có nhiều công năng khác nhau để giá cả chênh lệch hàng tỷ đồng không? Hay mỗi máy xét nghiệm khi được nhập khẩu vào nước ta và được mua bằng tiền Nhà nước thì đã có nhiều chiêu trò dị hợm và khuất tất?
Từ sự xuống cấp đạo đức thầy thuốc và đạo đức công chức rất thảm hại ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, có lẽ quyết tâm chống tham nhũng cần song hành mạnh mẽ cùng quyết tâm chống Covid-19.