| Hotline: 0983.970.780

"Mê hồn trận" thuốc thú y: Nông dân phải tỉnh táo!

Thứ Hai 29/07/2013 , 09:40 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cảnh báo nông dân phải hết sức tỉnh táo trước “mê hồn trận” thuốc thú y, vacxin đang nở rộ tại VN. Đặc biệt là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một số DN...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cảnh báo nông dân phải hết sức tỉnh táo trước “mê hồn trận” thuốc thú y, vacxin đang nở rộ tại VN. Đặc biệt là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một số DN khiến nông dân phải gánh thêm nhiều chi phí bất hợp lý, đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao…

VÌ SAO NĂNG SUẤT HẠNG… BÉT?

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chuyên đề “Tiến bộ kỹ thuật mới trong SX và sử dụng thuốc, vacxin phòng trị bệnh cho vật nuôi”, diễn ra cuối tuần qua tại Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải khẳng định: Trong số 20 nước có đàn heo nái hàng đầu thế giới, thì VN đứng vị trí chót bảng về năng suất chăn nuôi. Để xảy ra tình trạng này, các DN SXKD thuốc thú y, vacxin cũng phải có trách nhiệm khi họ chỉ nhăm nhăm bán hàng nhiều hơn là tư vấn sử dụng thuốc cho đúng và tiết kiệm!

Cụ thể, trong bảng xếp hạng 20 quốc gia, Trung Quốc có đàn heo nái lớn nhất thế giới với gần 50 triệu con, thứ hai là Mỹ trên 5,8 triệu con và thứ 3 là VN gần 4,5 triệu con. Tuy nhiên, khi tính đến sản lượng thịt xuất chuồng (kg/nái/năm) thì VN bị tụt thẳng xuống hàng 20 với năng suất cực thấp 439 kg/nái/năm.

Trong khi đó, nước đứng đầu bảng về năng suất là Đức lên tới 2.551 kg/nái/năm; nước láng giềng như Trung Quốc cũng lên tới 1.004 kg/nái/năm; đặc biệt là Philippines đứng thứ 19 trên bảng xếp hạng (chỉ đứng trên VN) thì năng suất cũng cao gấp rưỡi VN khi đạt 673 kg/nái/năm.

Ông Hải đặt câu hỏi: Chăn nuôi VN đang được tiếp cận với rất nhiều tiến bộ KHKT và có rất nhiều thuốc thú y, vacxin tốt của các hãng danh tiếng trên thế giới, nhưng tại sao dịch bệnh vẫn xảy ra triền miên? Năng suất, chất lượng vật nuôi vẫn vô cùng lạc hậu?


Người chăn nuôi cần sử dụng thuốc, vacxin hợp lý để tăng hiệu quả SXKD

“Tất cả là do con người, do trình độ quản lý của người chăn nuôi còn quá yếu kém, trong đó cũng có phần trách nhiệm của các DN SXKD thuốc thú y trong việc tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc chưa hiệu quả gây ảnh hưởng lớn đến năng suất vật nuôi”.

Ông Hải dẫn chứng: “Rất nhiều chuyên gia nước ngoài sang thăm quan một số trang trại tại VN thấy bất ngờ về quy mô và tính hiện đại không thua kém bất cứ nước nào. Nhưng trình độ quản lý của ta lại quá dở, không theo kịp các tình huống phát sinh ở trại, xử lý theo kiểu đối phó, thiếu giải pháp triệt để làm cho tình hình trại ngày càng xấu đi, dịch bệnh có cơ hội kéo dài, lây lan rộng, ảnh hưởng chung đến cả ngành chăn nuôi”.

Riêng đối với các DN SXKD thuốc thú y, ông Hải khẳng định có tình trạng nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử như 3 DN cùng giới thiệu 1 sản phẩm thuốc, bản chất là giống nhau nhưng mỗi DN lại tư vấn một kiểu khiến nông dân tù mù thông tin, cùng lúc sử dụng cả 3 loại thuốc trên 1 đàn heo khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng thịt và đẩy chi phí lên cao.

Nhiều thông tin khác tại diễn đàn cũng nêu rõ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trên thế giới ngày càng giảm mạnh và tiến tới cấm hoàn toàn ở các nước phát triển. Tuy nhiên tại VN thì hoàn toàn ngược lại khi rất nhiều DN TĂCN trộn kháng sinh tràn lan vào cám khiến cả cuộc đời con heo đều phải ăn thức ăn chứa đủ loại kháng sinh. Đây là một trong những bất cập lớn nhất khiến con vật luôn bị stress gây giảm năng suất, chất lượng thịt; vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ không an toàn.

Trước thông tin này, TS Hạ Thuý Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Các DN đưa kháng sinh trực tiếp vào sản phẩm TĂCN là hoàn toàn trái với quy định!

MỘT DIỄN ĐÀN BỔ ÍCH

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần này thu hút 281 đại biểu từ nhiều tỉnh thành phía Nam đến tham dự, trong đó có tới 165 nông dân chăn nuôi từ quy mô trang trại đến hộ gia đình. Điều này đã thể hiện được sức “nóng” và tính thời sự của ngành khi rất nhiều nông dân tới diễn đàn để giải toả bức xúc, tìm câu trả lời, cũng như trang bị thêm kiển thức chăn nuôi tiên tiến, khoa học cho mình từ những diễn giả có uy tín như: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, TS Hạ Thuý Hạnh, TS Nguyễn Văn Bắc, Th.S Võ Văn Ninh, Th.S Trần Hữu Cường, chủ trang trại chăn nuôi Chung Kim…

Tổng cộng có tới 121 câu hỏi của nông dân đặt lên bàn của các diễn giả, tập trung chủ yếu quanh các vấn đề về sử dụng thuốc thú y, vacxin cúm gia cầm, tai xanh, LMLM và các tiến bộ mới như đệm lót sinh học, chăn nuôi an toàn bền vững.

Ngoài ra, có rất nhiều nông dân bày tỏ quan ngại về việc vacxin giả bày bán tràn lan trên thị trường, làm sao phân biệt thật - giả? Thị trường cũng có đủ loại thuốc, vacxin, nông dân nên chọn loại nào cho hiệu quả?

Trả lời câu hỏi, các diễn giả khẳng định các cơ quan thú y cũng nắm rõ tình trạng này nên thường xuyên phối hợp với công an, QLTT kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh, nếu không có trong danh mục lưu hành sẽ xử lý nghiêm.

Về phía nông dân, cần chú ý mua thuốc, vacxin tại cửa hàng có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; tìm sự tư vấn từ các khuyến nông viên, thú y viên và các cơ quan chuyên môn tại địa phương để mua đúng, đủ và hiệu quả.

Nhiều nông dân cũng lo ngại cúm gia cầm có thể biến đổi gen, làm giảm hiệu quả của vacxin và đe doạ đến ngành chăn nuôi? Để trấn an, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải khẳng định: "Virus cúm gia cầm ở một số vùng có hiện tượng biến đổi gen nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, còn tại Đông Nam bộ thì chưa. Vacxin cúm gia cầm hiện nay vẫn có hiệu lực tốt, bà con cứ yên tâm sử dụng theo khuyến cáo của Cục Thú y.

Đặc biệt, đã quá 12h trưa, diễn đàn lại “nóng” lên khi một nông dân đến từ huyện Bến Cát, Bình Dương đặt câu hỏi có vẻ tếu táo nhưng lại rất thời sự: “Nông dân chúng tôi càng nuôi heo, gà thì lại càng lỗ, đề nghị tìm cách chữa “bệnh” này?”. Hiểu tâm trạng và bức xúc của bà con, TS Hạ Thuý Hạnh đã đứng dậy trao đổi và khẳng định: “Bệnh” này là tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân, từ chuyện bất cập về con giống, phương thức chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, giá cả thức ăn, đến chuyện chất lượng sản phẩm và đầu ra cho vật nuôi còn nhiều hạn chế.

“Thời gian qua Bộ NN-PTNT đã tổ chức liên tiếp 3 hội nghị từ Bắc vào Nam để tìm cách “giải cứu” cho giá heo, gà và hiện nay đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn trên thị trường. Tuy nhiên, tất cả các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, trước mắt là đẩy giá lên để đảm bảo thu nhập cho nông dân. Về lâu dài phải hướng nông dân tới chăn nuôi năng suất cao, an toàn sinh học và bền vững”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Trong phần lớn các loại cám thương phẩm bày bán trên thị trường VN hiện nay, kể cả của các DN nước ngoài có uy tín, đều bổ sung kháng sinh.Vì thế, người chăn nuôi cần lưu ý điều này khi sử dụng các loại cám khác nhau, của các DN khác nhau để có biện pháp sử dụng kháng sinh hợp lý; tránh vô tình làm giảm hiệu quả của kháng sinh được sử dụng, làm tăng chi phí một cách không cần thiết (PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải).

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm