Những xe vận chuyển mía về nhà máy trong ngày đầu tiên Nhà máy Đường An Khê khởi động niên vụ ép 2018 – 2019 |
Theo ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, từ ngày 3/12, nhà máy sẽ bắt đầu thu mua mía của nông dân để bắt đầu khởi động niên vụ ép 2018 – 2019. Nhà máy sẽ thu mua mía đầu vụ với giá bình quân 800.000đ/tấn mía thuần 10 CCS (chữ đường). Trong đó, 700.000đ là giá thu mua mía tại ruộng và 100.000đ là chi phí vận chuyển.
Nếu người bán mía không thực hiện đúng kế hoạch như hợp đồng đã ký, không chấp hành quy trình về đầu tư, bán, vận chuyển mà nhà máy đưa ra và mía không đảm bảo các tiêu chí: Chín, tươi, sạch; mía có chất lượng dưới 9 CCS, tạp chất 3% sẽ bị giảm giá mua 20.000đ/tấn mía thuần.
Trong thời gian sản xuất, tùy tình hình diễn biến của giá đường thực tế trên thị trường, nhà máy sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà máy và bà con nông dân.
“Nhà máy sẽ thanh toán hàng ngày vào hóa đơn tiền mía đối với những chủ mía không vi phạm những quy định nêu trên, đồng thời bảo hiểm 9 CCS cho mía được thu hoạch, vận chuyển về nhà máy theo kế hoạch đạt đủ các tiêu chí chín, tươi, sạch”, ông Hòe cho biết.
Căn cứ vào sản lượng mía đã ký hợp đồng, các Trạm Đầu tư và thu mua mía thuộc nhà máy sẽ xây dựng kế hoạch thu hoạch hàng ngày cho từng người sản xuất và kinh doanh mía. Trước khi thu hoạch, các trạm sẽ kiểm tra độ chín của mía; trong khi đang thu hoạch sẽ kiểm tra mía đốn có đúng bến bãi hay không, nhắc nhở chủ mía đốn róc đúng kỹ thuật. Sau khi kiểm tra, nếu người sản xuất, kinh doanh mía thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên thì các trạm mới báo kế hoạch nhập mía về nhà máy.
Bên cạnh đó, Nhà máy Đường An Khê còn thực hiện quy trình thu mua, vận chuyển, tiếp nhận mía rất khoa học. Người sản xuất, kinh doanh mía phải ký hợp đồng với nhà máy về diện tích và sản lượng mía bán theo tháng, phù hợp với thời gian trồng hoặc lưu gốc. Thực hiện thu hoạch theo kế hoạch đã được niêm yết công khai tại các trạm. Và được các trạm thông báo trước 3 ngày. Mía thu hoạch phải đúng bến bãi, ruộng mía và giống mía đã đăng ký và mía phải đảm bảo chất lượng.
“Trường hợp chủ mía không kiếm ra công lao động và xe vận chuyển, họ có thể liên lạc trực tiếp với nhà máy thông qua các trạm trên địa bàn hoặc Trung tâm tiếp nhận thông tin, tư vấn và trợ giúp người sản xuất, kinh doanh mía đường và nhà máy sẵn sang hỗ trợ”, ông Hòe thông tin.
Những xe mía đầu tiên được đưa vào ép |
Phương tiện vận chuyển mía cũng được Nhà máy Đường An Khê buộc phải phù hợp với việc tiếp nhận mía bằng bàn lật, phải có đầy đủ lưu hành còn hiệu lực. Xe vận chuyển mía về nhà máy phải đúng theo số xe đã đăng ký, được nhà máy cấp logo vận chuyển có đóng dấu. Logo vận chuyển mía phải được dán cố định trước kính xe, BKS xe phải phù hợp với số trên logo.
“Nhà máy sẽ từ chối không mua mía đối với người sản xuất, kinh doanh mía và xe vận chuyển không thực hiện quy trình trên; đồng thời thu hồi logo đối với xe chở mía vi phạm. Nhà máy luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương và người dân về những hành vi tiêu cực của CBCNV trong công tác thu mua, vận chuyển mía trong quá trình sản xuất”, ông Hòe chia sẻ.
Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Tú An 1, xã Tú An (TX An Khê, Gia Lai) cho biết: “Do giá đường đang xuống thấp nên giá thu mua mía của Nhà máy Đường An Khê trong niên vụ này thấp hơn năm ngoái 100.000đ/tấn. Với giá này, người trồng mía cần phải cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất để đạt năng suất từ 100 tấn/ha trở lên thì mới mong có lãi. Nếu vùng mía nguyên liệu được chủ động nước tưới, năng suất có thể đạt 140 – 150 tấn/ha thì người trồng càng yên tâm sản xuất hơn”.
“Những năm trước, Nhà máy Đường An Khê cung cấp phân bùn cho nông dân thu tiền 20.000đ/tấn. Nhưng năm nay nhà máy hỗ trợ hẳn cho nông dân khoản này để giảm chi phí đầu vào, nông dân chỉ tốn tiền vận chuyển về nhà. Theo định mức thì mỗi ha mía nông dân được hỗ trợ 50 tấn phân bùn, tương đương 1 triệu đồng/ha”, ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Tú An 1. |