| Hotline: 0983.970.780

Miền Tây Nam Bộ của ta ơi! Tôi nhìn người đứng trước thử thách...

Thứ Sáu 02/09/2016 , 09:30 (GMT+7)

Dù từng sống lâu năm ở châu thổ sông Hồng, quen mắt quen hơi những cánh đồng bát ngát Thái Bình, Hải Dương, tôi vẫn choáng ngợp khi lần đầu tiên, cách đây gần 40 năm, đặt chân lên đất Miền Tây Nam Bộ. Không phải hễ “lần đầu tiên” nào cũng gây ấn tượng. 


Về miền Tây có thể thấy được những cánh đồng thẳng cánh cò bay như thế này

 

Nhưng quả thật, tôi đã choáng khi lần đầu hòa nhập vào trời đất sông nước “đồng bằng”! Dòng sông Tiền rồi sông Hậu đâu cũng rộng như cửa bể, chảy giữa đôi bờ vườn cây trái xanh ngắt. Không thể nhìn thấy núi ở đâu! Đúng là qua sách vở, tôi biết có núi ở Hà Tiên, ở An Giang, nhưng đi gần ngày đường mà sao vẫn không thể nhìn thấy núi.

Chiếc xe đò và đám hành khách đủ loại hôm ấy giống con ngựa già, còn nhếch nhác và thảm hại hơn cả chiếc xe chở cô Người Tình mười sáu tuổi mà ta thấy sau này trong bộ phim rất hay của Arnaud. Vẫn còn bao cấp, còn “cấm chợ ngăn sông” nên trong chuyến xe từ Sài Gòn về lại miền Tây vẫn thơm nức đủ mùi phân, nước tiểu lợn gà, mùi vỏ trái cây ôi úng bị xéo nát trên nền xe, đâu đó còn lăn lóc mấy củ khoai lang, lõi ngô lăn vào chân ghế.

Cạnh tôi, đúng hơn nêm vào giữa tôi và một cô Ba nào đó là người đàn bà béo mập đang hân hoan kể chuyện đi “thành phố” về. “Tao giấu được những hai mươi ký gạo thơm mày ơi! Tụi “thị trường” đang nhớn nhác bắt mấy con gà, thế là tao tuồn bao gạo ra sau lưng. Tội nghiệp mấy đứa cháu con út Liễu nhìn thấy dì Hai lên là mừng rơn chảy nước mắt. Chúng nó sống thành phố mà đói thiệt đó mậy”. Cô Ba lắc người mãi mới lọt ghế, ca cẩm: "Gạo dưới này thừa mà cứ cấm chợ ngăn sông hoài. Khùng thiệt!”.

Tôi hiểu liền dù mới chân ướt chân ráo tới đây. Cảnh đó chẳng lạ gì với tôi, người đã qua hơn nửa cuộc đời trong cái thiếu thốn đến tận cùng của cuộc sống chiến tranh trên đất Bắc khi món quà quý nhất mà người mẹ nhà quê mang cho cô con dâu mới sinh đẻ ở thành phố là vài chục trứng gà “chôn” trong cái bao gạo cũng được giấu rất kỹ nếu không muốn bị “thị trường” tịch thu theo lệnh “ngăn sông cấm chợ”.

Tôi choáng ngợp trước sự mênh mông của Đồng bằng Miền Tây mà cũng lại ngạc nhiên đến sửng sốt với câu chuyện “chiến đấu” với quản lý thị trường trong chiếc xe đò chạy như gà rù, thỉnh thoảng động cơ chắc là lắp bừa năm cha bảy mẹ lại vùng vằng nghỉ việc ngang xương, bác tài thì chửi thề liên tục.

Đồng bằng Miền Tây cũng như châu thổ sông Hồng là hai bà mẹ bú mớm cho đất nước chiến tranh cũng như hòa bình. Vậy mà đã từng có lúc người ta ngăn không cho gạo, gà, heo và cả cá nữa đưa lên thành phố. Tất cả nhiệm vụ vận chuyển sữa đều phải do một tổ chức nhà nước gọi là mậu dịch quốc doanh đảm trách mới đúng lập trường “ai thắng ai”. Đúng là khùng thiệt.

Duy ý chí, dốt nát và khờ dại trong buôn bán, lưu thông, đã có thời những thứ đó lên ngôi. Không chỉ làm khổ, làm đói dân thành phố và còn làm thui chột lòng hào phóng đồng bằng, nơi sản phẩm ứ thừa mà không bán đâu được, ngay cả muốn mang lên cho “Út Liễu” vài cân gạo cũng suýt bị tịch thu. Biết đến bao giờ người ta xin lỗi cả dân đồng bằng lẫn dân thành phố về cái chủ trương “ngăn sông cấm chợ” khùng thiệt đó.

Nhưng đây không phải là cái lỗi duy nhất đối xử “không phải” với đồng bằng sông Cửu Long sau ngày có hòa bình. Lúc tôi về Miền Tây năm 1982 đó, phong trào Hợp tác hóa đang bị thúc đẩy đi nhanh những bước cuối cùng. Thật hào hứng, thật quyết liệt!

Tôi cũng lấy làm lạ, không hiểu vì sao từ 1966, ông Kim Ngọc, vị cứu tinh của nông dân miền Bắc đã “khoán chui”, đầu những năm 1980 thì hiện tượng “khoán hộ” đã thành hiện thực ở Vĩnh Phú, Hải Phòng, 1981, Nghị quyết khoán 100 ra đời, dấu hiệu thất bại của Hợp tác xã nông nghiệp được ngầm công nhận một cách chính thức, vậy mà người ta vẫn đẩy mạnh xây dựng tập đoàn (một kiểu HTX cấp thấp) ở Đồng bằng Miền Tây, vựa lúa quan trọng nhất của cả nước.

Ôi, Đồng bằng sông Cửu Long, Miền Tây Nam Bộ quý yêu! Từ thơ ấu, qua sách vở, rất nhiều người dân Việt đã mơ về, đã tưởng tượng xứ sở thiên đường của lúa gạo, của lòng người hào phóng, cưu mang, những cánh đồng 100 hay 150 ngàn ha của điền chủ này, bá hộ nọ, ngay cả con số cũng có thể làm ngất xỉu không ít nông dân miền Bắc khi họ bị cái xiềng ba sào (khoảng 1/10 ha) trói chặt bao đời. Khi những địa chủ lớn nhất của miền Bắc, miền Trung cũng chỉ có vài chục ha, một số rất ít có tới 100ha.

 

Vậy mà ở đây, đã từng có người, như Hội Đồng Trạch, sở hữu 150.000ha. Và câu chuyện người ta đốt thóc để chạy máy, người ta chèo thuyền trên đìa, trên kinh, cá đồng cứ việc nhảy vào, khi nào thuyền khẳm mới thôi. Và lòng người Miền Tây Nam Bộ với những câu chuyện cưu mang, đùm bọc hào phóng, với những khu vườn ăn trái, khách chỉ việc ăn và mang được bao nhiêu thì mang, y như trong chuyện cổ tích. Tính hào hiệp của người nông dân Miền Tây đã thành huyền thoại.

Nhưng trong chuyến đi đầu tiên năm 1982 đó, khi cùng một vài nhà văn nhà báo về thăm tập đoàn 9 nổi tiếng ở Kế Sách (Sóc Trăng) bằng sự nhạy cảm và trải nghiệm tôi đã nhận thấy các vị trong ban quản trị tập đoàn này bộc lộ mệt mỏi, chán chường như thế nào trước các đoàn khách. Như đã thấy ở Vũ Thắng (Thái Bình) hay HTX của anh hùng Trịnh Xuân Bái (Thanh Hóa). 

Sản xuất sụp đổ vì tiếp khách đến học tập điển hình, vì báo cáo láo thành tích và bệnh tự sướng. Và ngược với sự hồ hởi Nam Bộ, mấy ông chủ nhà của tập đoàn này cũng nghĩ ra được cách để né tránh việc tiếp khách, nhất là các đoàn nhà báo đổ xô về săn thành tích thường chỉ có trong bản thống kê. Chỉ dấu của việc tập đoàn nông nghiệp tan rã ở miền Tây đã bộc lộ từ hồi đó. Và sự thật đã phơi bày qua kết quả sản xuất.

Rõ ràng là, Miền Tây Nam Bộ không thể thích ứng được với cách quản lý gò bó kiểu trại lính với sản phẩm “công điểm” của các tập đoàn. Cũng cần công bằng khi đánh giá. Quả thật, nhiều nông dân Nam Bộ nuôi giấc mơ đổi đời, đã yêu cầu được tổ chức tập đoàn, viết thư đòi thành lập tập đoàn của ấp mình, xã mình. Nhưng may là họ đã tỉnh ra khá sớm.

Sau giải phóng, Miền Tây Nam Bộ hồ hởi với hòa bình, với sự kết thúc chiến tranh đau thương, nhưng đã bị tổn thương vì những bất cập và ấu trĩ. Cũng không trách được ai khi cuộc sống thay đổi đến chóng mặt và nơi miền đất thiên đường của cuộc sống thôn dã giàu có, với ước mơ thế giới đại đồng đã bị sốc nặng.

Đồng bằng Miền Tây đã và đang đứng trước quá nhiều thử thách trong bốn mươi năm qua. Những thử thách quan trọng đến mức, không chỉ nông dân bản địa, mà các nhà hoạch định chính sách trong nước và thế giới đã chính thức đặt ra câu hỏi chết người: “Miền Tây Nam Bộ liệu còn tồn tại trong tương lai?”.

Đương nhiên biến đổi khí hậu có thể là thủ phạm chính. Nhưng không chỉ thế. Mà một phần quan trọng không kém là do ta, do nông dân và trước hết là các nhà quản lý nông nghiệp. Miền đất hứa của một nền nông nghiệp có thể gánh vác bữa cơm cho cả nước và một phần thế giới, đang có nguy cơ, đang phải đặt ra câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” làm nhức nhối trái tim mọi người và đau đầu các nhà quản lý.

Những thử thách được các nhà khoa học, trong đó có các ông Nguyễn Ngọc Trân, Võ Tòng Xuân chính thức đưa ra quả thật hợp lý và khó chối cãi.

Sáu ngàn năm trước, Miền Tây bắt đầu hình thành từ những hạt phù sa hào phóng. Biển lùi dần và đất liền mỗi giây phút vươn ra trên nền tảng cát bồi, đáy sông cao dần lên nhờ được phù sa. Nhưng sáu ngàn năm cũng đủ làm nên cảnh bể dâu. Biển đang phục hận, dâng dần lên do băng tan, phù sa hàng năm ít dần do sông Mekong hào phóng bị các đập thủy điện của anh láng giềng xấu chơi chặn lại những hạt bùn màu mỡ. Đáy sông Tiền, sông Hậu sâu dần, có nơi sâu hơn trước đến gần chục mét do thiếu phù sa và cũng một phần do khai thác cát bừa bãi. Đồng bằng Miền Tây đang sụt móng. Biển đang gầm ghè nuốt trọn Miền Tây mến yêu!

Do háo hức tăng sản, do sức lao động bị kìm hãm trong chiến tranh được tháo bung ra, do được làm chủ (quyền sử dụng đất), người ta đã thẳng tay khai thác có thể nói là triệt để mầu mỡ của đồng bằng. Diện tích lúa hai vụ, ba vụ phát triển bừa bãi, chạy theo sản lượng với bất kỳ giá nào đã làm đồng bằng Miền Tây kiệt sức, thổ nhưỡng bị vắt cạn tiềm năng. Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau là những vùng đất phèn mênh mông cũng được cải tạo bằng bất kỳ giá nào để trồng lúa.

 

Tất cả đã tạo nên bước nhảy vọt với sản lượng lúa năm 1986 chỉ 7 triệu tấn nay đã là 25 triệu. Nhưng đồng bằng mệt mỏi như con lợn xề bị đàn con xâu xé đã có hiện tượng tái phèn, kiệt sức. Theo GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia), cơn khát lúa xuất khẩu và danh hiệu "vựa lúa của cả nước” làm biến mất diện tích rừng tràm ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, tại vùng U Minh Thượng và Hạ. Đồng bằng nghèo đi vì đơn sắc. Vùng trũng bị vắt kiệt nước để trồng lúa. Sẽ rất khó xoay trở, biến đổi và thích nghi khi mặn thâm nhập do biến đổi khí hậu.

Thách thức đến từ khách quan có quy mô khu vực là nguồn nước, nguồn phù sa của Mekong bị các đập thủy điện từ thượng nguồn tước đoạt. Đây là những con số làm giật mình: “Sáu đập thủy điện của Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu vực và 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước trong hạ lưu vực tăng 50% so với năm 2.000” (trích tư liệu báo chí). Trầm tích của sông Mekong đổ về nuôi dưỡng vùng châu thổ sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại 1/3 - 1/2, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển… Mũi Cà Mau, gành Hào Bạc Liêu bị sạt lở là điềm cái chết được báo trước của đồng bằng Miền Tây.

Cuối cùng là một nguy cơ hầu như không được nhắc tới. Đó là tình trạng xuống cấp về văn hóa trong nông thôn của Đồng bằng Miền Tây. Sức hút của đô thị hóa, của các trung tâm công nghiệp như Sài Gòn, Bình Dương và cả những ảo ảnh hấp dẫn từ Hàn Quốc, Đài Loan đã thu hút rất nhiều tinh hoa lao động và sức trẻ, sức bật của cư dân Miền Tây.

 

Người ta ra đi, để lại những ấp xã hoang vắng với người già và phụ nữ chân yếu tay mềm, cuốn theo cả những hạt nhân văn hóa trong các dòng họ, gia đình vốn xưa nay là tác nhân khai khẩn và cột trụ của cuộc sống Miền Tây. Nạn nhậu nhẹt, rượu chè và tính lười biếng trông chờ vào đồng tiền gửi về từ thành phố thực sự là một nguy cơ góp phần không nhỏ, nếu không nói là quyết định làm Miền Tây chao đảo trước nhiều mối đe dọa, trước mắt cũng như lâu dài.

* * *

Những nguy cơ ấy là có thật và thực sự nguy hiểm, nghiệt ngã.

Nhưng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Giang sơn gấm vóc không thể rời bỏ, càng không thể khoanh tay chờ cái chết đến từ từ. Một vùng đất có hàng mấy trăm năm khai phá bằng mồ hôi, bằng máu của cha ông không thể để mất. Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo: "Đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, thì cần tập trung đầu tư cho cây lúa nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Còn vùng mặn thì linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm mùa khô" (GS Võ Tòng Xuân). Có lẽ đây là hướng đi chiến lược chắc chắn sẽ được giới khoa học đồng tình và các nhà làm chính sách ghi nhận.

Đó là sinh lộ cho nông dân vùng đất thiêng Miền Tây Nam Bộ. Khi cha ông đến đây, cả miền đất bao la là đất phèn, nước mặn chưa bị khống chế. Cọp, beo, cá sấu và muỗi, vắt, bệnh tật, đe dọa cuộc sống từng giờ. Cha ông đã vượt qua, đã ghi lại dấu ấn của công cuộc chinh phục miền đất mới, để lại một gia sản huy hoàng. Con cháu sẽ không thúc thủ trong điều kiện khắc nghiệt mới.

Miền Tây Nam Bộ của ta ơi! Tôi yêu người, tôi nhìn người đứng trước thử thách với tất cả tình yêu và sự lạc quan. Không thể nào khác được!

TP.HCM 8/2016

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm