Cách ly xã hội 15 ngày trên phạm vi toàn quốc là một biện pháp đúng đắn và kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm khi đại dịch Covid-19 được dự báo bước vào cao điểm trong tháng 4/2020.
Các công ty sổ xố kiến thiết cũng ngưng phát hành vé số, và đội ngũ lao động đơn giản nhất là những người bán vé số dạo phải tạm thời thất nghiệp.
UBND TP.HCM đã quyết định trích gần 9 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ cho 12 nghìn người bán vé số dạo trên địa bàn.
Với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày, mỗi người bán vé số dạo sẽ nhận được 750 nghìn đồng để xoay sở trong thời gian cách ly xã hội.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương có mức hỗ trợ cao hơn là 60 nghìn đồng/ ngày cho những người bán vé số dạo.
Chọn nghề bán vé số dạo, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau phản ứng nhanh nhẹn của TP.HCM và Bình Dương, nhiều địa phương khác cũng cần triển khai ngay giải pháp hỗ trợ cho đối tượng yếu thế và thua thiệt này.
Bình thường họ rao bán vận may cho người khác, nhưng khi cả cộng đồng đối mặt với đại dịch thì họ gặp vận rủi không thể nào vượt qua. Số lượng người bán vé số ở mỗi nơi nhiều ít khác nhau, nhưng công ty sổ xố kiến thiết thì tỉnh nào cũng có.
Vì vậy, đây là lúc các công ty sổ xố kiến thiết chứng minh giá trị “ích nước lợi nhà” bằng cách san sẻ túng thiếu với đội ngũ bán vé số dạo.
Chỉ cần quyết tâm thực hiện, thì các công ty xổ số kiến thiết sẽ kêu gọi được hệ thống đại lý có nghĩa cử cao đẹp trong thời Covid-19.
Chỉ đạo công việc quý 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khía cạnh an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như lao động bị mất việc, người nghèo: “Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khỏe nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khỏe của nhân dân”.
Trong khi chờ đợi gói an sinh xã hội của Chính phủ, mỗi địa phương cần chủ động “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để giám sát nguy cơ phát tán của virus Corona, đồng thời quan tâm từng hoàn cảnh cụ thể để không ai phải bị bỏ rơi giữa chật vật và hoang mang.
Tổ tiên người Việt luôn nhắc nhở “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. "Miếng khi đói" thời Covid-19 càng phải được chính quyền cơ sở chú trọng hơn, vì quá trình cách ly xã hội khiến quan hệ tương cứu giữa “lá lành” và “lá rách” ít gắn kết. Sau những người bán vé số dạo, thì đối tượng tiếp theo cần được hỗ trợ là những người buôn thúng bán bưng.